[youtube https://www.youtube.com/watch?v=jKC6Lp-DXZc]
Nhìn tấm poster, bạn sẽ không khỏi thắc mắc bởi mọi người (có lẽ) đã quen thuộc với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng do một bạn đạo diễn trẻ, có tâm với nghề, đến từ phía Bắc nước ta, đã kiên trì bỏ ra 5 năm để đi theo đoàn lô-tô của chị Phụng.
Mà chị Phụng là ai? Chả quan trọng! Chỉ biết chị là nhân vật chính của thước phim tài liệu này và khi phim được trình chiếu, điều tiếc nhất, buồn nhất là chị đã qua đời tại một bệnh viện của Sài Gòn.
Lẽ ra, tôi định giấu hết cảm xúc sau khi xem xong bộ phim nhưng khi nhìn thấy báo mạng chuyển tải hình diễn viên Hồng Ánh, chủ của hãng Blue Productions, người đã mua lại bộ phim của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, đến thăm mộ chị Phụng. Chợt có rất nhiều cảm xúc trong tôi trỗi dậy. Và tôi muốn viết bài này trên blog của SG8.com
(Nguồn: Google).
Mộ trắng là của Madame Phụng. Người tóc trắng, áo trắng chính là cha ruột của Phụng.
Ánh đến thăm và tặng quà cho cha mẹ Phụng. Nhìn cảnh tượng đơn chiếc và nghèo túng, lòng tôi chợt thắt lại. Đầu bạc mà tiễn đầu xanh. Âu cũng là số phận một con người.
Khi tôi nhìn thấy mộ chị Phụng, tôi chợt lặng người. Lặng người thật sự chứ không phải như vài nghệ sỹ giả vờ lặng người để trả lời với báo chí đâu. Tôi chỉ là người làm blog. Tôi không phải nghệ sỹ. Tôi lặng người vì thấy cuộc đời này nó thiệt là phù du. Tôi mới thấy chị trong phim, chị đội tóc giả, chị hát mở đầu phim, chị cười, chị nói chuyện, chị gọi điện thoại mượn nhẫn vàng bán trả tiền xe vì rạp bị đốt cháy, chị giỡn với nhân tình trẻ, chị kể chuyện bỏ chùa theo trai… Vậy mà giờ chỉ còn nắm mồ với những viên gạch màu trắng. Ấy không phù du trên cõi đời này là gì.
Tôi buồn một chút trong lòng vì tôi đi xem chị Phụng 2 lần.
Lần đầu tiên, tôi đi cùng hoạ sỹ pop-art Khánh Vân. Khi chị nghe phim về đoàn lô-tô chị nhận lời ngay. Là một người nghệ sỹ, chị muốn khám phá hết vạn vật đang xoay tròn xung quanh. Chúng tôi xem tại rạp chiếu mini và dã chiến trong khuôn viên mới của Hội Nhạc Sỹ trên đường Trần Quốc Thảo. Gọi là dã chiến vì phim phát bằng máy chiếu chứ ghế ngồi thì rất êm và thoải mái.
Tôi gặp nhiều người đồng tính, chuyển giới, trai thẳng, gái thẳng, gay lộ, gay kín, les lộ, les kín và cả những bác lớn tuổi cũng đến tham dự. Hồng Ánh dạy dỗ nhân viên rất văn minh vì họ rấ lịch sự. Và cũng bởi chúng tôi cũng lịch sự không kém khi xếp hàng để bước vào và chọn cho mình vị trí tốt nhất ngồi xem phim.
Tôi nhớ nhiều người đã khóc, nhưng tôi không khóc. Tôi nghĩ không nên khóc vì âu cũng là số phận mà ông Trời đã ban cho. Rồi ai cũng phải sống, rồi ai cũng phải ra đi. Nếu ngày nào đó tôi cũng ra đi như Phụng thì tôi cũng chẳng khóc. Chỉ tiếc nuối khi mình ra đi trước thân sinh của mình mà thôi.
Lúc ra về, ngồi ăn ngay dưới nhà hàng trong sân Hội Nhạc Sỹ, tôi có nói với Khánh Vân: Tiếc quá. Giá như Hồng Anh xin được giấy phép để mang phim này ra rạp thì tuyệt. Có lẽ bộ phim tài liệu này sẽ đến gần với khán giả hơn.
Tôi nói như vậy bởi chúng ta cũng còn ở trong một xã hội khép kín. Người đồng tính dù được sống thoải mái hơn ngày cũ, năm xưa nhưng mọi người vẫn gọi là: BỊ. Tôi không phải người đồng tính. Nhưng tôi không thích gán chữ BỊ cho họ. Tại sao Bị Gay, Bị Les, Bị Bê-Đê, Bị Bóng…
Chẳng có ai bị gì cả. Họ có muốn vậy đâu? Phải mang nhiều phim ra rạp để cả xã hội dang tay với những mảnh đời đang đi lạc ở những miền hoang. Vì bản chất họ vẫn là một con người.
Viết đến đây, tôi nhớ lại câu chuyện của một cô bạn thân. Cô có một anh thiết kế trang phục cho nữ giới rất đẹp và anh này là người đồng tính. Rồi khi cô kết hôn, cô bảo: Em dẫn anh sang anh X để may đồ vest nhé. Em may đầm ở đây. Anh ấy giỏi lắm. Rồi vị chồng tương lai bảo: Cái thằng X đó nó bị bê-đê, may đầm cho em thì được chứ nó biết cái gì của con trai đâu mà em bảo sang đấy may áo cho anh. Thôi, anh không đi đâu.
Tôi viết ở đây, không biết bạn tin không, nhưng cô gái đó đã từ chối đám cưới và hiện giờ đang cặp bồ với một… cô gái khác.
Cũng giống như trong phim, nếu bạn xem, bạn sẽ thấy, một người đàn ông vẫn cố tình hỏi cô bé bán vé xổ số: Anh, bao nhiêu tiền. Rồi cô gái ấy không trả lời, anh ta nhìn vào ống kính đang quay của đạo diễn Thắm và cố tình hỏi tiếp: Anh, Anh tên gì? Và cũng nở một nụ cười.
Với tôi, câu hỏi đó thật ác độc. Và nụ cười đó thật man rợ. Sao lại lấy người làm niềm vui cho ta? Cũng như anh chồng tôi kể ở trên. Sao lại lấy giới tính để đo lường sản phẩm của người khác?
Và dường như ông trời đã nghe thấy điều tôi mong muốn (viết đến đây thì có chút ảo tưởng hihi) cuối cùng, Hồng Ánh cũng mang qua CGV–cụm rạp vốn Hàn Quốc lớn nhất nước. Nhưng chỉ chiếu ở những cụm rạp vắng vẻ, được gắn tên là CGV Art House – Parkson Paragon – ngàn năm không ai ghé đến. Nhưng có còn hơn không. Hồng Ánh thế là quá giỏi rồi. CGV chơi thế là quá đẹp rồi. Giá vé như thế là quá mềm rồi: 40.000 đồng/vé mà thôi.
Tôi xem Madame Phụng lần thứ 2 ở Parkson Paragon–CGV Art House. Các xuất chiếu hết sạch do booking online trước đó. Tôi và cô bạn thân đi lên lần đầu thì hết vé. Lần sau, tôi tự book trước và ngồi xem màn ảnh chuyên nghiệp. Cảm giác cũng khác với lần đầu đôi chút.
Do Thắm vẫn chưa nhiều kinh nghiệm trong việc biên tập đường dây nên tôi thuộc gần hết kịch bản của bộ phim tài liệu. Nhưng ngồi trong rạp mới, tôi cảm nhận sân hơn về cái bối cảnh, do rõ ràng màu sắc hơn. Tôi ấn tượng với cảnh cuối của phim, khi Phụng nằm trên võng đong đưa, ngồi sân cỏ, những cụm khói bay lên nghi ngút. Phụng vẫn cười, khói vẫn bay và gánh của Phụng giải thể do bị phá, bị đốt. Phim kết thúc ngang phân đoạn này đủ làm cảm xúc của người xem thật khó tả.
Còn một phân cảnh mà tôi cũng rất thích. Nếu tôi nhớ không lầm, người ở trên là chị Hằng. Chị cũng đã qua đời cùng với Phụng. Chị trải qua nhiều mối tình, chị kể trong phim, lúc đang ngồi nhậu. Chị cũng xin đứa con nuôi để ba mẹ chị có cháu gọi là ông bà Nội. Chị nhắc lại nhiều mối tình đã trải qua, cười và mắt vẫn ánh lên sự vui sướng.
Có lẽ, Phụng, Hằng hay nhiều cảnh đời khác đang đi hoang nơi cõi này, họ không hối tiếc về những gì mình đã làm. Bởi đó là số Phận.
Tôi thích ca khúc Ngọn Trúc Đào, ca khúc vang lên lúc chị Hằng đang ngồi nhậu với đám bạn, chị bảo: Không. Không phải Quang Lê. Quang Lê không hát với Tường Nguyên. Thật đáng thương cho những ngọn trúc đào. Mùa thu lá rụng… Bay vào sân ai?
Trời ban phước lành cho linh hồn của Madame Hằng–Phụng và những người còn ở lại cõi tạm đầy bụi này.