Viết Ngắn

Dunkirk–Một siêu phẩm điện ảnh chân thật của Christopher Nolan

Cuối tuần qua, Dunkirk–siêu phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn danh tiếng Christopher Nolan đã giành được hơn 50.5 triệu đô-la Mỹ, đứng đầu thị trường nội địa; 105,9 triệu đô-la Mỹ trên toàn cầu. Đây quả thật là một con số không hề nhỏ cho một tác phẩm điện ảnh về đề tài Đệ nhị Thế chiến. Trang Hollywood Reporter miêu tả: Dunkirk là bộ phim về chiến tranh kiệm lời thoại nhất, xuất sắc nhất thế giới và đậm đặc chất Anh, do người Anh làm về một lát cắt lịch sử tự hào của người Anh, với sự góp sức của nhân tài Hollywood.

Nhà nhập khẩu phim CGV đã khôn ngoan khi chọn lựa tên gọi: Cuộc di tản Dunkirk, thay cho tên gọi gắn gọn Dunkirk ban đầu. Bởi lẽ, nếu chỉ để Dunkirk, khán giả Việt sẽ chẳng bao giờ thèm đói hoài tới một địa danh tưởng chừng như không quá quen thuộc với tâm tưởng của họ. Người Việt Nam sẽ nhớ tới Điện Biên Phủ, không phải là Dunkirk.

Thật ngắn gọn về bối cảnh lịch sử: Năm 1940, quân đồng minh Anh–Pháp hợp sức chống lại phát xít Đức trong Đệ nhị Thế chiến; bị dồn vào thế bị động tại thành phố Dunkirk (Pháp). Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Winston Churchill đã phát lệnh giải cứu, hy vọng sẽ bảo toàn được khoảng 30.000 lính về quê nhà/ tổng số gần 400.000 lính đang bị dồn vào đường cùng ở Dunkirk. Dover là đích đến của họ.

Đó là bối cảnh lịch sử, còn bối cảnh trong phim của Christopher Nolan phức tạp và có một cấu trúc xen lẫn không gian, thời gian rất thú vị.

THỔ (THE MOLE–ĐÊ CHẮN SÓNG): 

Trên đất liền, quân Pháp và Đức giao chiến kịch liệt.

Trên bãi cát, hàng trăm ngàn binh lính Anh xếp hàng trật tự để chờ được lên tàu trở về quê hương theo lệnh của Thủ tướng Winston Churchill.

Màu phim xanh đến lạnh lùng, góc quay IMAX và 27mm cực rộng bao trùm lấy nhãn quang của người xem, làm cho họ như đang sống, chứng kiến và là một phần trong cuộc với bối cảnh bộ phim.

Thuỷ triều đang lên, biển động, quân phát xít ném bom liên tục, lòng người bắt đầu xao động, cận kề sự sống và cái chết như gang tấc…

THUỶ (BỜ ĐIỂN DOVER ANH QUỐC)

Một người đàn ông cùng đứa con trai út của mình, không muốn dưa tàu cho hải quân trưng dụng mà chính ông muốn thể hiện lòng yêu nước bằng việc… vượt biển đến Dunkirk giải thoát cho quân lính: Khi không thể về lại quê hương thì quê hương sẽ tìm đến cậu.

–Cậu có súng không?

–Tôi có riffle 77mm. 

–Và cậu cũng không thể chống trả quân phát xít Đức và thất bại.

–Ông nghĩ ông có thể làm được sao?

–Vậy cậu nghĩ sao khi phụ huynh gởi con em của họ ra chiến trường?

Bằng tài diễn xuất đỉnh đạc, đúng chất Anh quốc của mình, ngôi sao từng đoạt giải Oscar Mark Rylance đã lái chiếc thuyền mỏng manh giữ muôn trùng sóng nước cứu sống rất nhiều mạng người. Bằng nỗi khắc khoải của một người cha, đã mất đi cậu con trai trưởng sau 3 tuần lái máy bay Hurricane ra chiến trường; nay ông cùng cậu con trai út lao vào một hành trình quả cảm, tìm cách cứu sinh mạng của rất nhiều đứa con, của những phụ huynh khác. Người xem có thể nhìn thấy trong ánh mắt, giọng nói qua tài diễn xuất tuyệt vời của Mark Rylance.

THIÊN– KHÔNG TRUNG–MÀN CHIẾN ĐẤU CỦA NHỮNG CHÚ CHIM SẮT:

Các chiến đấu cơ vờn nhau thật rõ nét trên không trung, nhả đạn vào nhau, bốc khói, rớt xuống biển một cách chân thật. Chưa bao giờ, cái rộng lớn của đất trời, cái thênh thang của không trung, cái bát ngát của biển cả trong bối cảnh chiến tranh lại làm khán giả choáng ngợt đến như vậy. Những người phi công quả cảm, thông minh đã cố gắng để bám trụ đến cuối cùng, trong công cuộc giải cứu những người lính của đất nước.

Tom Hardy, ngôi sao của Max Mad Fury Road đã xuất hiện anh dũng như những bộ phim anh đã từng tham gia, đôi mắt, gương mặt lạnh lùng cùng với một hình thể cao lớn, đủ để thể hiện sự bình tĩnh là sự lựa chọn quá sáng suốt của Chris.

Không chỉ có Tom Hardy và Mark Rylance mới là sự lựa chọn tuyệt vời, tất cả diễn viên trong dàn cast, quả thật, đều là những lựa chọn vô cùng hợp lý.

Tất cả những người lính đều không được nêu rõ thân phận, tất cả chỉ có tên gọi. Khi chiến tranh ập đến, tất cả đều quay trở về đơn vị “con người” mà thôi.

Tommy, anh lính trẻ tuổi, protagonist của bộ phim được giao cho Fionn Whitehead, một thanh niên 20 tuổi và đang làm nhân viên pha chế cho một quán cà-phê ở London. Việc tham gia Dunkirk đã giúp cho Fionn sẽ bước tiếp tục vào các dự án lớn như phim của Richard Eyre là The Children Act cùng với Emma Thompson và Standley Tucci; Caravan của đạo diễn Sebastian Schipper. Tất nhiên, không thể không nhắc đến màn debut không hề tệ chút nào của chàng ca sỹ Harry Style, thành viên của nhóm One Direction đình đám nhất nước Anh và thế giới một thời.

Số phận của những cậu thanh niên kia sẽ như thế nào trong Dunkirk? Ai sẽ sống và ai sẽ phải ra đi trong cuộc chiến tranh khốc liệt mà Anh–Pháp– Đức không thể tránh khỏi trong công cuộc bảo vệ từng tấc đất quê hương?

Nhà soạn nhạc nổi tiếng Hans Zimmer lần này đã góp thêm công sức vào việc bóp nghẹt trái tim và các giác quan của người xem phim. Hans không làm nhạc phim, không có bất kỳ nhạc phim nào trong Dunkirk. Hans chỉ đem tiếng động, đem các đạo cụ tạo ra âm thanh, bám sát theo từng chi tiết của mạch phim. Nổi bật nhất là tái hiện âm thanh đếm giây của bộ gõ đồng hồ thời đó. Âm thanh đó cũng tượng trưng như nhịp đập trái tim của những anh chàng lính trẻ kia, non nớt và cũng dễ loạn xạ trong cuộc chiến giành sinh tử. Tinh tế nhất là khi âm thanh kia ngừng phát, nhịp đếm của kim giây ngừng khi mọi thứ đã được sắp đặt vào những giây cuối cùng của bộ phim…

Tờ USA Today cho rằng phim Dunkirk của Christopher Nolan là một bộ phim có cấu trúc quá phức tập. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, đó chính là tổng thể của Thiên; Thuỷ và Thổ ép lại thành một mặt phẳng duy nhất. Gần 400.000 sinh mạng con người được đặt trên cái mặt phẳng đó, liên hệ mật thiết với nhau. Một mặt phẳng phủ đầy khói đạn, súng lửa, chết chóc, hy vọng, sinh tồn… Một mặt phẳng mà chỉ có chủ nghĩa anh hùng cuối cùng được bậc lên, nằm trong trái tim và tâm trí của người xem.

Nụ cười và nước mắt của thiếu tướng khi thấy: HOME hiện ra ngay trước mắt; đó cũng là khi người xem phim thở phào nhẹ nhõm, những giây phút các giác quan giãn ra một chút trong suốt hai giờ đồng hồ.

Bất kỳ quốc gia nào cũng đều có số phận của nó. Nước Anh cũng từng trải qua những ngày tháng đau thương nhất, để giữ vững một Vương quốc cường thịnh ngày nay. Nhưng cách của Christopher Nolan đã cho cả thế giới thấy rằng, người Anh cũng kiên cường, trượng phu và đã hợp lực chiến đấu kiên cường bảo vệ từng mét vuông lãnh thổ của họ.

Dunkirk xứng đáng là một tuyệt phẩm chiến tranh và lịch sử chân thật nhất trên màn ảnh rộng từ trước đến nay. Kudos Christopher Nolan. Respect!