Viết Ngắn

Nhạc kịch TIÊN NGA: Khi ta tìm lại kho báu thuần Việt

Kết thúc đêm diễn đầu tiên, khán phòng nhà hát Bến Thành (TP.HCM) như vỡ oà với những tràng pháo tay nồng ấm của khán giả dành tặng cho tất cả nghệ sỹ và nhạc sỹ đã tạo nên một vở nhạc kịch đậm đà chất Việt Nam, thăng hoa trong từng khuôn nhạc.

Tiên Nga, lấy nền tảng của truyện thơ nổi tiếng bậc nhất trong nền văn học Việt Nam cổ điển Lục Vân Tiên của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu. Tiên là Lục Vân Tiên và Nga là Kiều Nguyệt Nga. Hai chữ  Tiên Nga thật đơn giản nhưng phần dàn dựng của nhà biên kịch/đạo diễn Thành Lộc lại không đơn giản như vậy. Có thể nói, đây là một trong những vở diễn kỳ công nhất của sân khấu Idecaf và là một vở nhạc kịch đúng nghĩa, đậm đà nét Việt Nam nhất của nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại. Sau thành công của Bí Mật Lệ Chi Viên, Ngàn Năm Tình Sử, thì nay Tiên Nga đã chắp thêm đôi cánh để Thành Lộc thăng hoa tung bay trong bầu trời nghệ thuật của riêng mình.

Về nguyên bản, truyện thơ của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu đã làm say đắm biết bao nhiêu thế hệ. Lục Vân Tiên được cụ đồ Chiểu viết vào cuối thế kỷ 19 và đến năm 1889, học giả Trương Vĩnh Ký (Petrús Ký) đã biên dịch và cho xuất bản bằng chữ quốc ngữ (tiếng Việt hiện đại mà chúng ta đang sử dụng) tạo nên tiếng vang rất lớn. Có thể nói, truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên chính là một báu vật của dân tộc, nay được NSUT Thành Lộc và Idecaf tìm đến, mở chiếc rương báu, phủi những lớp bụi của thời gian và khoác lên một chiếc áo mới cho tác phẩm: nhạc kịch, để Lục Vân Tiên không quá khó tiếp cận mà thật dễ hiểu, gần gũi và cũng chất chứa nhiều ý nghĩ sâu sa về tình yêu, lòng tự trọng, danh dự, con người, số phận và… lòng yêu nước nồng nàn chảy trong tim của mỗi người dân Việt. 

“Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ lũ hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái ta là phận trai.
Tiểu thơ con gái nhà ai,
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ?
Chẳng hay tên họ là chi,
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?”

“Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con này tì thiếp tên là Kim Liên.
Quê nhà ở quận Tây Xuyên,
Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.
Sai quân đem bức thơ về,
Rước tôi qua đó định bề nghi gia.
Làm con đâu dám cãi cha,
Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành.
Chẳng qua là sự bất bình,
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.”

Bằng sự phong phú trong câu chữ, trong những vần thơ Nôm mà cụ đồ Chiểu và cả học giả Trương Vĩnh Ký đã để lại cho hậu thế. Và hai hậu thế trong số những hậu thế của hai vị, NSUT Thành Lộc và nhạc sỹ tài ba Đức Trí đã hiểu, đã vẽ, đã thổi hồi và tạo nên một Tiên Nga thật gần gũi nhưng vẫn giữ rất vững ý chủ đạo về lòng sắt son, trung hiếu của con người. Tiên Nga lồng nhẹ nhàng, khéo léo những câu thơ quen thuộc trong những đoạn nhạc lấy cảm hứng từ đờn ca tài tử nam bộ, những điệu lý đã đi vào lòng người miền Nam Việt Nam từ rất lâu. Khi dàn nhạc dưới sân khấu nổi lên theo sự chỉ huy của Đức Trí, cả khán phòng như chìm đắm trong một không gian thiêng liêng mà đã từ lâu, người dân thành phố không thể tìm thấy. Một không gian của cội nguồn dân tộc, của cái gốc mà lâu nay ta mãi ngắm nhìn những tán lá xum xuê mà lỡ nhịp quên mất.

(Lục Vân Tiên khóc mẹ đến mù loà được xử lý vô cùng thông minh, độc đáo khi hiện thân của cụ đồ Chiểu xuất hiện trong lớp diễn này. Tuy hai nhưng lại là một, tác giả và nhân vật hiện ra trên sân khấu dưới kỹ thuật xử lý ánh sáng điêu luyện)

Kim Liên, nàng hầu, nàng tỉ tất bên cạnh Kiều Nguyệt Nga đã được nâng lên một vai trò rất quan trọng trong vở diễn. Kim Liên đại diện cho lòng yêu nước, do uất hận, do căm phẫn mà đành phải hy sinh “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.” (trích Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc)

Diễn xuất của Lê Khánh và Thành Lộc trong đoạn hành thích vua Phiên dành trọn tình cảm của khán giả mộ điệu. Thêm một vai diễn tuyệt vời của Lê Khánh; còn những ai đã say đắm phong cách Thành Lộc nay được thưởng thức chất giọng trầm, ngọt ngào và những câu thoại ngắn đầu nội lực của anh trên sân khấu.

Ngoài Lê Khánh, phần tham gia diễn xuất của những ngôi sao gạo cội sân khấu Idecaf nhiều năm qua cũng được đạo diễn/NSUT Thành Lộc tin tưởng: NSUT Hữu Châu vai Võ Công; Hương Giang vai Võ Phu Nhân; Vân Trang vai Võ Thể Loan; Đình Toàn vai Bùi Kiệm; Bạch Long vai Bùi Ông; Lương Thế Thành vai Dương Tử Trực… Sự xuất thần, cố gắng hết sức để hoàn thành vai diễn, thổi hồn cho nhân vật xứng đáng nhận được những tràng pháo tay vang dội cho đêm công diễn của một loại hình mới xứng đáng để kỳ vọng: nhạc kịch.

(Bằng tiếng nói sân khấu đầy nội lực, từng nụ cười điêu ngoa, sự run rẩy và tức giận đến mức hộc máu khi bị hậu sinh sỉ nhục, NSUT Hữu Châu dù xuất hiện đúng một phân đoạn nhưng thể hiện được đẳng cấp trong sự nghiệp diễn xuất của mình. )

(Lương Thế Thành và Vân Trang có thêm những vai diễn thú vị. Sự lẳng lơ của Võ Thể Loan đã làm nổi bật sự cương trực, trọng nghĩa tình và đạo lý làm người của Dương Tử Trực)

(Màn kết hợp quá duyên dáng của NS Đình Toàn và Bạch Long)

Cuối cùng, hai diễn viên Dương Cường và Lê Phương đã có một sự tiến bộ rất rõ rệt và minh chứng cho sự lựa chọn vai diễn của đạo diễn là hoàn toàn hợp lý. Lục Vân Tiên của Dương Cường có sự khẳng khái, bộc trực của người con nước Nam; Lê Phương đài cát, nhẹ nhàng và vóc dáng rất thanh cao. NSUT Thành Lộc từng tiết lộ: “Xuất thân của Kiều Nguyệt Nga ở quận Hà Khê, một địa danh của Huế. Nếu chọn được một diễn viên biết diễn, biết ca và nói được giọng Huế là quá đúng với nguyên tác của cụ đồ Chiểu. Nhưng trong khuôn khổ, Lê Phương là sự lựa chọn hợp lý hơn cả.”

Khi màn nhung sân khấu khép lại, ta sẽ nhận được gì từ Tiên Nga?

–Sự thuỷ chung trọn đạo vợ chồng của người Việt ta.

–Sự tin tưởng vào luật nhân quả: Kẻ ở hiền thì luôn gặp lành; kẻ ở ác thì luôn gặp quả báo.

–Lòng yêu nước không chỉ nằm ở những trận chiến, những tiếng trống giục ngoài bãi chiến trường hay những vị anh hùng trong sử sách. Lòng yêu nước hiện diện trong mỗi người con Việt Nam chúng ta, dù ở thân phận nào, dù ở tuổi tác nào, nếu lòng ta vẫn nghĩ “sống với bọn man di rất khổ” thì lúc đó, ta biết trong ta có lòng yêu nước rồi đó.

–Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín: đó chính là ngũ thường, là tư cách của một người quân tử mà ông cha ta đã luôn dạy hậu thế ghi nhớ.

–Tình yêu là món quá thiêng liêng của Trời đất mà chỉ có trải quan gian khó mới có thể tìm thấy và giữ lấy bên cạnh.

Khi ánh đèn của dàn nhạc chơi live ngay dưới sân khấu tắt đi, ta nhận được gì từ Tiên Nga?

–Ta thấy rằng, âm nhạc Việt Nam thật đẹp, từ những ca khúc mang âm hưởng của cải lương truyền thống; đến những điệu lý; những bản nhạc Đờn ca tài tử mà chỉ có thể tìm nghe ở miền Tây sông nước.

–Ta thấy rằng, nhạc sỹ Việt Nam thật giỏi khi giữ gìn và phát huy, sáng tạo những di sản ông cha để lại. Âm nhạc Việt Nam có bản sắc riêng, có gốc gác riêng và không dễ dàng hoà tan trong dòng chảy lớn được.

Hãy dành thời gian đi xem, để ta luôn cảm thấy tự hào, ông cha ta đã để lại nhiều chiếc rương quý báu cho hậu duệ. Vấn đề bạn có muốn mở nó ra và phủi lớp bụi thời gian để ngắm nhìn nó hay không mà thôi.

Thành Lộc và Đức Trí đã làm được, rất xuất sắc với Tiên Nga!

Xin chân thành cảm ơn nhiếp ảnh gia Kiếng Cận đã hỗ trợ theSAIGON8 có được những dấu ấn khó phai của một tác phẩm tuyệt vời mang tên Tiên Nga (và Liên)

J.N

Sài Gòn cuối 2017.