Đạo diễn Thành Hội đứng trên sân khấu trong bộ suit màu đen cùng bowtie lịch lãm, trò chuyện cùng các bạn trẻ trường THPT Nguyễn Thượng Hiền trước khi trình diễn một tác phẩm mới của sân khấu Hoàng Thái Thanh–do chính anh và đạo diễn Ái Như thành lập. Anh có nhắc đến hai chữ rất thú vị: lát cắt.
Có lẽ anh muốn ngụ ý đến lát cắt của ổ bánh thời gian. Mỗi tác phẩm của Hoàng Thái Thanh là một lát cắt xuống ổ bánh đó và mở ra những hoài niệm cũ, của miền Nam, của Sài Gòn một thời đã xa, có thể các bạn trẻ không thể tìm thấy ở thời điểm này nữa. Anh và cộng sự vừa có thêm hai lát cắt mới, trong đầu năm 2018 này.
Lát cắt số 1: Biệt thự nhà họ Hứa năm 1953.
Người đời vẫn thường hay nhắc đến câu nói quen thuộc: Trần gian còn sót lại con ma nhà… họ Hứa; hay những bậc tiền nhân vẫn hay nhắc về bộ phim kinh dị kinh điển của Việt Nam trình chiếu năm 1972 của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Nay, Hoàng Thái Thanh cho dựng lại nội dựng câu chuyện về bi kịch của một gia tộc giàu có, dựa trên những câu chuyện truyền miệng.
Họ Hứa là ai? Hứa Bổn Hỏa (Jean Baptiste Hui Bon Hoa) là một thương gia gốc Hoa, lập nghiệp và rất giàu có ở đất Sài Gòn xưa. Thời đó, người ta thường kháo nhau: “Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” ngụ ý chú Hỷ là vua tàu thuyền có tàu chạy khắp Nam kỳ Lục tỉnh; chú Hỏa có hơn 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn–Gia Định–Chợ Lớn. Chú Hỏa còn là một trong tứ đại phú của miền Nam trước Giải phóng: Nhất Sỹ – Nhì Phương – Tam Xường – Tứ Hỏa.
Và câu chuyện của sân khấu Hoàng Thái Thanh được dựa trên những câu chuyện từ chú Hỏa lừng danh năm xưa, bối cảnh chính xoay quanh ngôi biệt thự của nhà họ Hứa. Hứa Bổn Hỏa được tái hiện với một thương gia Hứa Minh Nhân giàu có, khắc nghiệt sống cùng cậu con trai cả tên Hứa Minh Trọng và cô con dâu tên Quỳnh–người con gái thích chơi vĩ cầm–và gặp phải một căn bệnh trong tứ chứng nan y, không có thuốc chữa thời đó: phong (bệnh phong cùi), lao (bệnh lao phổi), cổ (sưng bụng, xơ gan cổ trướng), lại (có thể hiểu bệnh nan y, ung thư).
Chuyện về chú Hỏa không còn mới, kịch bản về một con ma trong gia tộc họ Hứa năm xưa, nếu ai tinh ý và thích nghe chuyện truyền miệng thì cũng không còn xa lạ. Vậy thì sân khấu Hoàng Thái Thanh đã dàn dựng như thế nào?
Họ đã thêm một chút sợ và rắc thêm một chút tình vào trong miếng bánh thời gian lần này. Một chút sợ từ yếu tố ma do chính những con người trong căn biệt thự kia dàn dựng nên; và một chút tình đã khiến cho con ma đó buộc phải xuất hiện.
Khán giả sẽ được dịp quay ngược lại thời gian về một Sài Gòn thật Pháp; các nhân vật đều mặc những bộ đồ Tây thật đẹp; được ngắm nhìn những chiếc ghế mây sang trọng, chiếc đồng hồ bỏ túi đắt tiền hay chiếc cầu thang xoắn ốc quen thuộc nếu bạn đã từng bước chân vào Bảo tàng Mỹ Thuật (trên đường Lê Thị Hồng Gấm)–nhà của chú Hỏa được chính quyền tịch thu và trưng dụng sau Giải phóng.
Ngoài Thành Hội và Ái Như là hai nghệ sỹ gạo cội tham gia diễn xuất, hai diễn viên chính Phương Trâm & Công Danh, tuy là gương mặt mới, nhưng diễn rất mượt, khiến khán giả cảm nhận được sự chân tình của Trọng–Quỳnh; của một thiếu gia và cô vợ trẻ chẳng may mắc bệnh phong cùi, lở loét và sống trong hoảng loạn.
“Đừng bỏ em một mình, trời lạnh quá, trời lạnh quá, xin đừng bỏ em một mình”.
Bài hát vang lên thật liêu trai, ma mị và cũng rất đáng sợ. Nhưng cũng xin đừng quá lo lắng, vai diễn Bảy Dúi duyên dáng của Quốc Thịnh sẽ mang lại những tiếng cười rất thú vị.
Lát cắt số 2: Ngã tư Quốc tế Sài Gòn, trước Giải phóng.
Sài Gòn có biết bao nhiêu ngã tư, ngã tư nào chẳng như ngã tư nào!
Không hẳn vậy, đạo diễn Thành Hội đã tái dựng lại một cái ngã tư thật đặc biệt, mà có lẽ nếu không xem vở diễn Sài Gòn Có Một Ngã Tư, các bạn trẻ sẽ chẳng thể biết được từng có một Ngã Tư Quốc Tế nổi tiếng và cũng lắm thăng trầm hiện diện ngay trước mặt với một nhân dáng khác. Đó chính là khu vực giao nhau của bốn con đường: Bùi Viện (tên xưa là Bảo Hộ Thoại), Đề Thám (Dixmude), Trần Hưng Đạo (Galliéni), Đỗ Quang Đẩu sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo, gần dãy nhà lầu Tháp Ngà (Tour d’Ivoire). Tại sao ngã tư này nổi tiếng?
Hãy nhìn tấm ảnh trên của tạp chí nổi tiếng LIFE, đây chính là một góc của Ngã Tư Quốc Tế ngày xưa. Còn nếu muốn tìm hiểu thêm, hãy đọc các tài liệu vẫn còn trên mạng internet. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta nên quay lại với bản dựng về một Ngã Tư đầy tình người, dưới con mắt nhìn của nghệ sỹ–đạo diễn Thành Hội.
Anh không tái hiện Ngã Tư Quốc Tế với những ký giả (phóng viên) quần tây, áo sơ-mi trắng ngồi cà-phê trên vỉa hè, vô tư chuyện trò; hay những kép cải lương từ rạp Nguyễn Văn Hảo ra dùng bữa trưa hay dân thập phương tứ xứ làm rộn ràng cả một khu vực. Anh đưa ống kính của mình xuống một tầng lớp đáy của xã hội bấy giờ: một tú bà đã giã từ vũ khí nay trở thành bà Tám Nở bán cà phê (Ái Như); một cô gái mại dâm nay trở thành cô Thanh nhân viên vệ sinh chuyên thu dọn rác (Hoàng Vân Anh); một anh Ngành chuyên đấm bóp giác hơi sống cùng ông cha tên Thông chuyên đạp xe ba gác; cô Lựu bán sương sa; cô Nữ bán bánh mì chiên kiêm bán xôi; anh Thời cắt tóc vỉa hè; ông Hai tú tài chuyên đánh máy; ông Sáng mù đờn vọng cổ rất hay và cả một thằng nhóc móc bọc tên Tuất… Tất cả những con người bất hạnh của cuộc sống gặp lại nhau và tụ họp thành cốt chuyện chính của Sài Gòn Có Một Ngã Tư.
Đây không phải là một vở diễn xuất sắc nhất của sân khấu Hoàng Thái Thanh với bàn tay đạo diễn của Thành Hội nhưng đây là một trong những vở diễn sảng khoái nhất mà không làm mất đi chất Hoàng Thái Thanh trong bản dựng. Những tiếng cười đầy ý nhị, không cường điệu, những nút thắt tinh tế trong cách xây dựng từng tính cách của nhân vật làm tổng thể vở diễn thật nhẹ nhàng nhưng cũng rất thi vị về cái tình của con người với con người, trái tim với trái tim bất chấp bối cảnh nghèo nàn, bẩn thỉu của một lớp dưới cùng xã hội tân thời lúc bấy giờ.
Cái chất Sài Gòn, chất hào sảng miền Nam được khắc hoạ rất rõ nét, xem là thấy bản thân mình trong đó ngay, là thấy mình cũng là một phần của mảnh đất này. Ngã Tư Quốc Tế đặc biệt vì đó là đại diện tiêu biểu cho cả Sài Gòn của ngày hôm qua, hôm nay và có thể sẽ là ngày mai.
Hai hạt giống Đoàn Thanh Tài và Hoàng Vân Anh do Thành Hội–Ái Thư kiên trì gieo mầm, nắn tỉa nay đã trở nên ăn ý, đáng yêu và kết nối tình cảm với nhau trên sân khấu rất tốt. Tiếng nói sân khấu của Đoàn Thanh Tài tốt hơn, giúp anh xứng đáng được kỳ vọng trở thành một trong những kép đẹp của sân khấu. Hoàng Vân Anh đã thoát khỏi những vai diễn trước đó với nhiều nước mắt, uỷ mị để khắc họa một cô Thanh duyên dáng, có nụ cười thật tươi gây thiện cảm với khán giả, dù làm gái nhưng vẫn rất đáng thương, đáng quý và cũng đáng để yêu.
Và đừng quên một tràng pháo tay cho một nhân vật rất đơ, đặt ở đâu là đứng yên ở đó không có nhúc nhích nhưng lại là mấu chốt để tháo hết những nút thắt trong từng nội tâm của nhân vật. Đó chính là Lý Lệ Hoa.
(Buổi diễn được chào đón bởi các bạn học sinh từ trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và sự xuất hiện của nhà văn–đạo diễn–đồng tác giả vở diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc nhân chuyến về thăm quê hương của chị)