Trước hết, đây là một cuốn sách không dễ đọc bởi nó khắc họa những mối quan hệ rối rắm xoay quanh đương kim thủ tướng Shinzō Abe của Nhật Bản.
Shinzo Abe & Gia tộc tuyệt đỉnh được Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành trong Quý I của năm 2018, nhượng quyền từ Nhà xuất bản Kodansha Ltd., Tokyo, Nhật Bản. Tác giả của cuốn sách là Kenya Matsuda, phóng viên nổi tiếng mảng chính trị, phóng sự điều tra trên nhiều tạp chí như Shukan Gendai, Shukan Bunshun, Bungei Shuju, v.v…
Người Nhật, vốn nổi tiếng là bảo thủ và cực kỳ yêu nước được khắc hoạ rất tinh tế qua gần 300 trang sách. Người Nhật ở đây được đại diện bởi hai dòng họ Sato và Kishi nổi tiếng trong chính trường, hai dòng họ đã ảnh hưởng và đào tạo nên một Shinzō Abe–Thủ tướng thứ 57–là người đảm nhận 3 nhiệm kỳ trong vị trí này của Nhật Bản thời hậu chiến.
Shinzo Abe sinh vào tháng 9–1954. Ông theo học tại Học viện Seikei (Kichijoji, Tokyo) từ tiểu học cho đến đại học. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Seikei năm 1977, ông học trường tiếng Anh ở Hayward bang California, Mỹ và vào Đại học Nam California năm 1978. Năm 1979, Shinzo Abe vào làm việc tại công ty Kobe Seiko được hơn ba năm thì chuyển sang làm thư ký cho cha là Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ. Năm 1993, lần đầu tiên trúng cử nghị sĩ Hạ viện với tư cách kế tục Shintaro Abe đã mất năm 1991.
(Trích từ trang 251–252)
Nhưng mọi chuyện đâu có đơn giản và dễ dàng như vài dòng tiểu sử trích ngang như vậy. Đâu còn gì là Dòng họ tuyệt đỉnh và nếu đơn giản thì tác giả đã không tặng cho độc giả một Sơ đồ gia tộc Shinzo Abe trước Lời nói đầu–Một sơ đồ… phức tạp. Nhưng có lẽ, chúng ta nên xoay quanh nhân vật trung tâm để không… đi lạc đường.
–Đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cha là Shintaro Abe và mẹ là Yoko Abe (Xin lưu ý phụ nữ Nhật cũng giống phụ nữ phương Tây, khi kết hôn thì sẽ lấy họ chồng trong danh xưng)
–Shinzo Abe kết hôn với bà Akie Abe–Trưởng nữ của dòng họ Morigana và cả hai không có con chung.
–Shinzo Abe có một người anh trai là Hironobu Abe không theo chính trị và một người em trai la Nobuo Kishi.
Tại sao người em trai út của Shinzo Abe lại không phải là Nobuo Abe mà là Nobuo Kishi?
Thân mẫu của Thủ tướng Shinzo Abe, bà Yoko Abe, là trưởng nữ của Cố thủ tướng (đồng thời cũng là nghi phạm chiến tranh hạng A của Nhật Bản) Nobusuke Kishi. Bà Yoko có người anh trai là Nobukazu Kishi kết hôn nhưng không có con trai. Và để giữ gìn huyết thống của dòng tộc Kishi của cha bà, bà cùng chồng đã đồng ý nếu sinh nhiều con trai, sẽ gởi đứa cuối cùng cho làm con nuôi anh trai của bà, để theo họ Kishi và giữ gìn huyết thống của dòng họ Kishi. Chính vì vậy, Nobuo Abe trở thành Nobuo Kishi.
–Và theo tác giả, có những tin đồn thất thiệt trong chính trường, Shinzo Abe có một người em trai ngoài giá thú, tức cùng cha khác mẹ. Trang 211, tác giả đã thuật lại cuộc gặp gỡ và đối thoại hiếm hoi giữa ông và người em trai của thủ tướng Shinzo Abe. Tất nhiên, ông Ryuta Ito là tên giả nhằm tránh ảnh hưởng đến đại cục chung. Ông hiện đang là giảng viên của một trường đại học trong thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ông này được xem là mối tình của cha của Shinzo Abe và một người phụ nữ, chủ nhân của một quán ăn nhỏ, tên (tất nhiên cũng sử dụng tên giả) Ito Yumi.
Đến đây, chúng ta chỉ thấy Shinzo Abe và một gia tộc hơi rắc rối. Tuyệt đỉnh nằm ở đâu?
Xin hãy kiên nhẫn như cách người Nhật đã và đang.
Đây là hình ảnh của hai vị Thủ tướng Nhật Bản cùng chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc với nhau: cháu ngoại trai Shinzo Abe (trái) và người thủ tướng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến con đường chính trị và tình cảm của Shinzo Abe: ông ngoại Nobusuke Kishi–nhân vật được nhắc đến nhiều nhất, chiến gần như toàn bộ nội dung của cuốn sách.
Nhiều độc giả, sau khi gấp lại trang sách, cho rằng không nên đặt tựa đề là Shinzo Abe & Gia tộc tuyệt đỉnh. Có thể nên tham khảo tựa đề gốc của cuốn sách, bằng phiên âm La-tinh mà Nhà xuất bản Trẻ đã trình bày trong Biên mục đầu sách: Zeccho no Ichizoku Prince Abe Shinzo to 6 nin no “Family”. Có thể hiểu nôm na (và cũng có thể sai) là Sáu nhân vật quan trọng trong gia tộc của Shinzo Abe.
Shinzo Abe trên tựa đề chỉ là một cái cớ, một vị trí trung tâm, hạt nhân để bàn về câu chuyện của một Gia tộc tuyệt đỉnh, một gia tộc đã nhào nặn, đào tạo hay ngắn gọn là tạo ra một đương kim thủ tướng của Nhật Bản cường quốc ngày hôm nay. Để đạt được một vị trí vững chắc trong chính trường sóng gió, ai đã hậu thuẫn cho Shinzo Abe?
Đó là mục đích chính của quyển sách. Không có bất kỳ một bài phỏng vấn riêng biệt nào với Thủ tướng Shinzo Abe được lồng trong sách. Người Nhật Bản rất kín đáo. Người Nhật Bản làm chính trị thì có thể nhân sự kín đáo đó lên gấp trăm lần. Vậy thì làm sao để khai thác được các khía cạnh trong cuộc đời của một Thủ tướng đang cầm lái con tàu Nhật Bản? Tác giả Kenya Matsuda đã quá “cáo già” và khôn ngoan và…tinh vi khi đặt Shinzo Abe ở giữa trung tâm và khai thác từ ngoài vào trong: Đập cái vỏ ốc từ bên ngoài, từ từ, từ từ và cuối cùng sẽ thấy được miếng thịt.. ốc.
Nhân vật tiên phong để khai thác tư liệu chính là cố Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi, tức ông ngoại của Shinzo Abe, cha của Yoko Abe–người mẹ thần thánh đã ảnh hưởng rất nhiều lên Shinzo Abe.
Nobusuke Kishi (giữa) la một trong những chính trị gia kiêm Thủ tướng Nhật Bản gây nhiều tranh cãi nhất. Ông cũng là thần tượng đương kim Thủ tướng Shinzo Abe. Trang 41 của sách đã trích dẫn một chút về tiểu sử của Nobusuke Kishi. “Trước chiến tranh, Nobusuke Kishi tốt nghiệp Đại học đế quốc Tokyo, vào làm việc ở Bộ Nông–Công Thương và tiến lên nấc thang thành đạt với tư cách quan chức xuất sắc hàng đầu của Bộ Công Thương. Và toàn bộ chương 1, chương dài nhất của sách xoay quanh: Ông Ngoại Nobusuke Kishi–Thần tượng Shinzo Abe theo đuổi.
“Gần 4 năm sau khi trở về từ Mãn Châu quốc, một tháng sau khi chiến tranh kết thúc, ông bị chỉ đích danh là nghi phạm chiến tranh hạng A”
“Tổng số nghi phạm chiến tranh hạng A kể từ ngày này cho đến 29–4–1946 bao gồm những người bị bắt ở ngoài lãnh thổ và số bị bắt theo lệnh ngày 19–11 vượt quá 100 người. Lệnh bắt Nobusuke Kishi – nghi phạm chiến tranh hạng A với tư cách quan chức trong nội các Tojo được đưa ra vào ngày 12–9, ông được áp giải đến nhà tù Yokohama… Lúc ấy, ông Kishi được 48 tuổi…”
(trang 59)
Thực ra, câu chuyện về sự hồi sinh của Nobusuke Kishi từ một phạm nhân chiến tranh hạng A, rồi không bị khởi tố trong khi những quan chức cấp cao hơn đều bị treo cổ và tiến đến việc tranh cử trở thành Thủ tướng của nước Nhật, bị biểu tình phản đối với Hiệp định Mỹ–Nhật rồi… từ chức sau đó thú vị, hấp dẫn và ly kỳ. Tuy nhiên, vì tác giả của sách lại viết theo dạng phóng sự theo dòng sự kiện nên người đọc phải tập trung nhận định rất kỹ, ghi nhớ cụ thể tên và dòng sự kiện mới có thể cảm nhận hết tại sao Nobusuke Kishi là một nhân vật ảnh hưởng đến Shinzo Abe và cả con gái ruột của ông là bà Yoko Abe.
Rất nhiều nhân vật, sự kiện được nhắc đến trong tập sách, xứng đáng để lưu tâm nhưng vì không thống nhất cách gọi: tên hoặc họ nên đôi phần thông tin mà dịch giả truyền tải khá lộn xộn, nhưng nhìn chung, điều tác giả lẫn dịch gỉa đã làm được: Đập vỏ ốc triệt để để tìm cho bằng được phần thịt ốc, bao lâu nay không thể khai thác được gì thêm.
Ngoài ông ngoại Nobusuke Kishi được “đập vỏ ốc”, tìm thông tin thì người tiếp theo được tác giả Kenya Matsuda để ý đến chính là người mẹ thần thánh Yoko Abe của thủ tướng Shinzo Abe. Bà được miêu tả trong phần đầu cuốn sách là một Trưởng nữ quyết liệt và giàu tình cảm dành cho cha mình Nobusuke Kishi và gia đình riêng của bà.
“Tôi cứ nghĩ mình đã chuẩn bị tinh thần được rồi nhưng khi cha tôi đi (tù), nhà cửa trở nên trống trải không ngờ, mỗi khi nhìn thấy những đồ vật cha thường dùng, tôi không thể cầm được nước mắt”
(Trang 59)
Bà chứng kiến thăng trầm trong con đường chính chị của cha, chồng và các con của mình rõ ràng nhất. Bà yêu người cha Nobusuke Kishi mãnh liệt và quyết giữ gìn “dòng họ Kishi”/”hào khí Kishi” đến tột cùng.
“Tôi đã không thể nào tin được, tuy biết là phải giữ bình tĩnh trong lúc này nhưng tôi chỉ biết khóc đến kiệt sức. Tôi về nhà và thấy cha nằm trên giường bệnh do sốt phát ban, ông nhìn lên trần nhà bằng đôi mắt đỏ mở to. Khi ấy, anh tôi đang theo Đại học Kyoto, nói rằng một khi quốc gia bại chiến, sống cũng chẳng có ích gì. Con muốn chết sao cho đẹp, thì cha tôi tức giận, giọng lạc đi: Con nói gì vậy?! Nếu biết nghĩ đến tương lai quốc gia, hãy dũng cảm vượt qua hiện tại”.
(Trang 57)
Và đến cuối sách, thật ngỡ ngàng với một chân dung của Yoko Abe những tháng năm gần đây. Một người cương quyết giữ hào khí Kishi, lạnh lùng với người con dâu và tự quyết định số phận của người con trai út–nay muốn đi theo con đường chính trị dù đã là con nuôi cho gia đình người anh cả.
“Hiện nay, vợ chồng thủ tướng Shinzo Abe và Akie Abe sống cùng mẹ là bà Yoko Abe ở nhà riêng của Thủ tướng ở yên tĩnh khu vực Tomigaya, quận Shibuya, Tokyo. Căn nhà có ba tầng và một tầng hầm với tổng diện tích 1140 mét vuông. Tầng một của người anh Hironobu và tầng hai, tầng ba, tầng hầm do bà Yoko sỡ hữu. Vợ chồng shinzo Abe sống ở tầng hai.
Các tầng trong căn nhà có thang máy nối với nhau. Khi phỏng vấn bà Akie Abe: Bà dùng bữa với bà Yoko tại nhà khoảng mấy lần? thì câu trả lời là: Thật sự thì một tháng khoảng một, hai lần. Vậy thì Shinzo Abe ăn cơm ở nhà thì ai nấu và ăn ở đâu?“
(trang 248)
Yoko Abe là điển hình cho một người phụ nữ Nhật Bản truyền thống, là nhân chứng của rất nhiều giai đoạn lịch sử Nhật Bản cận đại cùng cha, chồng và con. Còn người con dâu của bà Akie Abe đại diện cho một thế hệ phụ nữ Nhật Bản cũng chăm lo cho chồng nhưng không…tôn thờ chồng như Thánh thần. Bà được miêu tả là Đảng đối lập trong gia đình, mở quán rượu và tiếp cận các social medias như Facebook liên tục. Phần viết về ba trong chương thứ Năm của sách tuy ngắn nhưng cũng kịp để người đọc suy ngẫm về thân phận phụ nữ trong xã hội Nhật Bản khi chủ nghĩa bảo thủ và vai trò của trụ-cột trong xã hội và gia đình đều thuộc về nam nhân.
Hai người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời của thủ tướng Shinzo Abe là mẹ và vợ lại không thuận hòa với nhau như bao cặp mẹ chồng-nàng dâu khác. Vậy họ đã nhường nhịn nhau tình cảm dành cho người chồng–người con suốt nhiều năm qua ra sao? Những chương cuối cùng của cuốn sách, tuy ngắn nhưng giải đáp được rất nhiều điều thú vị xoay quanh việc “đập vỏ tìm con ốc bên trong” của tác giả.
Trở thành một chính trị gia không phải trò đùa, lại càng không phải một công việc dành cho những kẻ yếu bóng vía hoặc chớp thời cơ. Chính trường Nhật Bản thể hiện rất rõ sự đấu tranh của rất nhiều Đảng phái khác nhau, dựa trên quyền lợi của người dân và sự tôn kính dành cho Nhật Hoàng lên trên. Các phe cánh, đảng phái sẵn sàng trở mặt cùng nhau để hướng đến một mục tiêu cao hơn. Người dân được quyền biểu tình để gây áp lực với những Hiệp định mà họ xem rằng phản quốc. Hôn nhân của những mầm-chính-trị cũng được sắp đặt sẵn bởi những người cha–bạn cùng Đảng phái hoặc những dòng họ danh môn với nhau. Có lẽ, cuốn sách Shinzo Abe & Gia tộc tuyệt đỉnh nên đổi thành Yoko Abe & Những người đàn ông tuyệt đỉnh thì đúng hơn. Bởi lẽ vai trò của bà, tính cách và thân phận của bà được thể hiện rất rõ nét. Người phụ nữ thuần Nhật đồng hành cũng những thăng-trầm trong đời sống chính trị của cha mình, một cựu thủ tướng Nhật Bản đồng thời cũng là một nghi phạm chiến tranh hạng A luôn mong muốn giữ “dòng dõi Kishi” của cha mình. Người phụ nữ mà cho rằng “Nghê đáng làm đối với đàn ông là chính trị gia. Mà đã làm chính trị gia thì phải nhắm đến chúc Thủ tướng” (Trang 27) thì quả thật, không còn gì thú vị hơn.
Từ người phụ nữ đó, người mẹ đó, Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung có một người đàn ông đang nắm cương Nhật Bản là Shinzo Abe.
Và cũng bởi vì chất “Kishi” và sự ảnh hưởng của Yoko quá mạnh mà vai trò của người chồng–người cha là Shintaro Abe trở nên mờ nhạt trong tâm trí của ông Shinzo Abe. Hay cũng bởi vì cái sự “thép” đó của Yoko mà Shintaro đã phải tìm một nơi chốn yên bình khác, một nơi để ông có thể đàng hoàng thể hiện bản lĩnh của nhà Abe, của dòng máu một nghị sĩ Hạ viện Nhật Bản Kan Abe. Nơi đó là quán ăn nhỏ và tin đồn một đứa con ngoài giá thú, một đứa con có dòng máu Abe không ảnh hưởng bởi dòng máu Kishi đã trưởng thành đâu đó. Cũng có thể, đó là mục đích riêng của Shintaro Abe bởi ông cũng quá thần tượng và tự hào dòng máu của dòng họ Abe chảy trong huyết quản của mình. “Kishi là Kishi mà Abe là Abe”–Ông đã nói.
Rất tiếc, chất Kishi của người ông nổi tiếng Nobusuke Kishi đã quá mạnh mẽ đến độ Shinzo Abe đã viếng đền thờ tội phạm chiến tranh hạng A, đền thờ Yasukini lần đầu tiên với tư cách thủ tướng (lần 2) vào ngày 26 tháng 12 năm 2013. Bởi người muốn thực hiện những di nguyện liên quan đến Hiệp định chiến tranh Mỹ–Nhật hay giữ gìn khí chất Kishi lại là mẹ của ông, bà Yoko Abe.
Shinzo Abe ở giữa đang đi sau đạo sĩ Shinto trong chuyến viếng thăm ngôi đền Yasukuni shrine tưởng niệm tất cả những nạn nhân/nghi phạm chiến tranh. Ảnh: Tonru Hanai của hãng Reuters.)
Có lẽ, Shinzo Abe đã chẳng đoái hoài gì đến di ngôn của Masao Nishimura –người em trai cùng mẹ khác cha của cha mình, hay nói ngắn gọn hơn là chú của mình.
Lại xuất hiện thêm một nhân vật nữa trong Gia tộc tuyệt đỉnh này. Quả thật, đây là một cuốn sách rối rắm nhưng lại rất hấp dẫn cho những ai quan tâm đến chính trị hoặc đất nước và con người Nhật Bản. Nhật Bản không chỉ dịu dàng với hoa Sakura, hay những miếng sushi ngon lành với tuna thượng hạng từ chợ cá Tsukiji nổi tiếng. Nhật Bản, dưới một tảng băng ngầm, của chính trường, nhiêu khê, phức tạp và cũng rất đáng để lưu tâm tới.
(Một bức ảnh hiếm hoi thời trẻ của đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và cha của ông là ngài Shintaro Abe)
Tác giả Shinzo Abe đã đi một đường vòng, xoắn ốc, đập vỏ ốc từ bên ngoài và cuối cùng, khép sách lại, chúng ta sẽ thấy một phần của con ốc bên trong mà không dễ gì người ngoài sẽ nhìn thấy được. Đó là Nhật Bản. Và đó là sự khép kín của người Nhật.
J.N và bìa sách chụp trên light rail way thành phố Tempe đi Mesa, Arizona