Viết Ngắn

Egoist (2022) – Vị Kỷ: Không phải một bộ phim đồng tính

Người ta thường phân loại phim theo kiểu: phim điện ảnh, phim gia đình, phim Tàu, phim TVB, phim Hàn, phim chưởng… và phim đồng tính. Tôi có cách phân loại phim thật đơn giản cho chính mình: hay hoặc dở. Dở là như A Quiet Place: Day One (2024) vừa ra rạp ở Bắc Mỹ. Dàn diễn viên có nội lực nhưng kịch bản quá sức tệ, không đủ làm tôi ngạc nhiên như hai phần phim trước đó. Tôi muốn tìm một bộ phim để có thể kéo lại tâm trạng tiếc nuối cuối tuần, bất chợt Egoist hiện lên trong đầu. Bạn bè của tôi ở Việt Nam cũng dành nhiều lời khen cho bộ phim này thời gian trước. Lâu rồi không xem phim Nhật Bản, thử vậy.

Egoist tên tiếng Việt là Vị kỷ. Tâm lý vị kỷ hiểu nôm na “rằng con người luôn được thúc đẩy bởi những tư lợi và ích kỷ cá nhân, ngay cả trong những hành động dường như là của lòng vị tha”. Cũng không quá khó đoán tựa phim với những ai biết tiếng Anh khi chữ “ego” thông dụng là “cái tôi” của con người và suy diễn Egoist là người mang tâm lý vị kỷ. Vậy thì hai diễn viên nam chính trong phim, Kosuke Saito (được đóng bởi Ryohei Suzuki) và Ryuta (do Hio Miyazawa đóng), là người chỉ biết tập trung cho chính bản thân mình trong câu chuyện tình yêu của cả hai? Khi xem hết phim, cũng thật khó cho tôi xác định rõ ràng ai mới chính là kẻ vị kỷ; thay vào đó, chỉ là một nỗi buồn man mác, một chút tiếc nuối và cả sự cảm động về tình người.

Phóng viên có đặt câu hỏi cho vị đạo diễn của phim là ông Matsunaga Daishi tại TIFF (Tokyo International Film Festival) vào ngày 31 tháng 10 năm 2022 rằng: “Ông có tin tình yêu luôn đi cùng một cái tôi của cá nhân hay không?” Vị đạo diễn trả lời thật tinh tế đúng kiểu người Nhật rằng đây là một câu hỏi đặc thù và tôi nghĩ rằng tôi không nên trả lời nó. Thời buổi bây giờ, con người thường có cảm giác ngột ngạt, khó thở hơn với vạn điều xung quanh. Riêng tôi, tôi cảm nhận bản thân mình vẫn giữ được cái sự “ngây thơ” để sống và làm việc. Tôi không biết mọi người, trong đó có khán giả của bộ phim có như vậy hay không; nhưng cái cách mà nhân vật chính của phim Kosuke đã thể hiện, cái tình yêu của anh ta cũng thể hiện cái sự ngây thơ đó. Kosuke nghĩ đó là tình yêu, thì hiển nhiên đó là tình yêu, vậy là đủ.

Chữ “innocent” – mà tôi tạm dịch thoáng theo cách cảm nhận của người viết chính là hai chữ ngây thơ, nó cũng có thể là sự trong trẻo như chính cái cách nhìn của vị đạo diễn đã đem đó phủ màu trong veo cho bộ phim Egoist – Vị kỷ của ông. Không nặng nề kịch tính, không plot twists cao độ, không đánh đấm, không màu mè… Mọi thứ thật tự nhiên, thật trong và thật “innocent”.

Có ngây thơ không khi chàng trai đã quá ba mươi tuổi, là một biên tập viên hình ảnh thời thượng lại trở nên rung động ngay cái nhìn đầu tiên với người huấn luyện viên cá nhân của mình? Thật là khó để đưa ra luật lệ, bởi vì khi yêu, ai cũng trở nên mới mẻ lạ thường; con tim lại đẩy lên não một thứ hóa chất tẩy đi những nét mực cũ, để một trang mới có thể bắt đầu lại.

Có ngây thơ không khi một chàng “làm nghề đó” lại nghĩ rằng cuộc đời mình đã trở nên chấm hết cho đến khi gặp được một chàng trai khá giả đã cố gắng hết sức để nâng đỡ cuộc đời của mình, để cho mình bắt đầu lại từ đầu?

Trong một xã hội đã ngột ngạt như chính đạo diễn đã chia sẻ, khi chúng ta đã quen ngủ một mình, quen với sợ cô đơn hơn ba mươi mấy năm, liệu rằng ta có thể dẹp bỏ cái tôi, cái “ego” để một người khác bước vào cuộc đời của mình không? Liệu rằng cái ego đó có đủ mạnh để cản bước ta yêu một người đã chia sẻ thể xác của họ với nhiều người khác không? Và ta có đủ thương cái tôi của ta, để dẹp bỏ một nghề nghiệp bất đắc dĩ, viết lại trang mới cho cuộc đời của mình hay không?

Một bộ phim rất cảm động, rất nhẹ nhàng và cũng rất ngây thơ. Ngây thơ như nụ hôn của anh chàng độc thân sành điệu cùng một người “làm nghề” chuyên nghiệp. Ngây thơ như lời gợi ý “quà tặng mẹ em quá đắt tiền” quen thuộc; hay ngây thơ như “Anh sẽ mua em, để em không cần phải tiếp tục sống như vậy nữa”. Liệu rằng nụ hôn của Ryuta dành cho Kosuke là một nụ hôn thơ ngây vì Kosuke quá hấp dẫn; hay chỉ là một nụ hôn dành cho khách hàng của mình – một nụ hôn công nghiệp như bao nụ hôn khác?

Điện ảnh là vậy, luôn mang đến một góc nhìn, một thông điệp không thể tìm thấy trong các bộ phim tài liệu. Đạo diễn muốn mọi thứ phải ngây thơ, thì tất cả các nhân vật và mạch chuyện đều phải nằm trong hệ quy chiếu đó. Nhưng cái chất “thơ” của điện ảnh đó đôi khi lại làm một chút ibuprofen làm cứu vẫn những tâm hồn đã từng đau. Người ta hay gọi là chữ lành. Đây là một bộ phim chữ lành cho những thực tế trần trụi, những con người đã yêu say đắm và bị tổn thương cũng đắm say.

Chỉ có một câu hỏi được đặt ra sau khi phim kết thúc: Ryuta đã ra đi sau một đêm ngủ. Nhưng mẹ của anh chẳng tiết lộ thêm bất kỳ điều gì. Vậy Ryuta đã ra đi vì bệnh nặng hay vì chính cái cảm giác tội lỗi trong suốt những năm tháng tuổi trẻ khi đứng trước một tình yêu đích thực mình đã tìm thấy muộn màng? Chẳng ai có thể biết được tại sao Ryuta đã ra đi. Chỉ còn lại hai kẻ yêu anh trên thế gian, nắm tay nhau ở những thước phim cuối: Kosuke và mẹ. Egoist không phải một bộ phim đồng tính mà là một tác phẩm điện ảnh nhẹ nhàng về tình người. Rất thơ và rất Nhật!