Những năm gần đây, điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước chuyển mình thật vững mạnh, đặc biệt là đội ngũ kịch bản gia với những sáng tạo xé rào, vượt lên những biên giới mặc định dành cho thị phần và văn hoá của Á Châu.
Chúng ta có thể nhìn thấy những khao khát được tiệm cận với Hollywood bằng những nỗ lực học hỏi mỗi ngày qua các tác phẩm đình đám của điện ảnh Nam Hàn. Có thể kể đến một vài phim điển hình Ban biên tập chúng tôi đã từng xem qua:
Vòng Xoáy Tội Ác – The Chronicles of Evil (2015); Chạy đâu cho thoát – Veteran (2015); Chuyến tàu sinh tử – Train to Busan (2016); Người dịch chuyển thời gian – Time Renegades (2106); Tiếng Anh là chuyện nhỏ – I Can Speak (2017); Đảo địa ngục – Battleship Island (2017) và mới đây chính là bộ phim Thử Thách Thần Chết – Along With The Gods: The Two Worlds.
Đây là một bộ phim có kịch bản táo bạo và sáng tạo đến phấn khích, nhà biên kịch kiêm đạo diễn của phim là Kim Young Hwa đã đưa ra một góc nhìn lạ-mà-quen về cuộc sống sau cái chết.
Kim Ja-Hong (do Anh chàng ngổ ngáo Cha Tae Huyn thủ vai), một người lính cứu hoả tử nạn sau khi giành lại sự sống cho một cô bé trong trận hoả hoạn ở một chung cư lớn. Linh hồn mới thoát ra khỏi thân xác và vẫn chưa hề biết là mình đã chết (Điều này tương đồng với những ai theo Phật giáo ở Việt Nam: Họ vẫn chưa biết cho đến khi mở cửa mả của họ sau 49 ngày mất) và gặp… 3 nhân vật mặc áo vest, tóc tai, tạo hình cực kỳ hợp mode và đến từ… địa phủ. Họ chính là Thủ lĩnh vệ thần Gang-Lim; Vệ thần bảo hộ Hewonmak và cô trợ lý vệ thần Deok-Choon–cũng là người có khả năng soi căn để nhìn tội lỗi của các linh hồn. Tam vệ thần tìm đến Kim Ja-Hong với tư cách của một… luật sư biện hộ nhằm giúp anh đầu thai sau 49 ngày, điều tưởng chừng như không thể với một linh hồn mới nhưng lại có thể với một linh hồn mới được xếp hạng linh hồn thuần khiết – Người Tốt Ở Dương Gian.
Cái thú vị đầu tiên trong kịch bản là ở đó. Ở dương gian, con người phạm tội, họ bị phán xét trước quan toà và được quyền triệu hồi luật sư riêng để bào chữa cho tội trạng của mình. Nhưng bấy lâu nay, chưa có tác giả nào áp dụng điều này cho cõi âm cả. Thông thường, khi chết đi, tất cả chúng ta đều biết rằng, Diêm vương và các Phán quan sẽ là người xét xử dựa trên ghi chép của hai ông Vai Vác– Tức hai ông thần ở bên vai của mỗi người, từ đó định đoạt xem linh hồn sẽ bị đày xuống tầng nào trong 18 tầng địa ngục khổ sở kia. Từ đó đưa ra những lời răn hướng thiện con người. Nhưng Thử Thách Thần Chết không đụng chạm vào thuyết tôn giáo truyền thống đó. Họ sáng tạo ra những điều mới mẻ. Linh hồn sẽ bị phán xét bởi 7 Phán quan ở 7 địa tầng: Sát sinh, Lười Nhác, Lừa dối, Bất Chính, Bất Tín, Bạo Lực và cuối cùng là Bất Hiếu. Các kỹ xảo vi tính và bối cảnh từ đó được dựng nên rất chân thật và thú vị cho người xem, dẫn dắn sự tò mò của người xem để chứng kiến bối cảnh, các vị phán quan, hình phạt của mỗi địa tầng.
(Tam vệ thần trong phim: vừa múa kiếm phép đấu yêu, vừa tài trí, vừa bay nhảy xuất thần lại rất… thời trang, rất Hàn Quốc.)
Cái thú vị thứ hai chính là thông điệp mang tên: Nỗi đau bình thường. Tại sao lại là nỗi đau bình thường? Bởi nỗi đau này xuất phát từ những con người bình thường, có một cuộc sống bình thường trong xã hội con người, nhưng nỗi đau của nặng trĩu, cũng chất chứa nhiều đắng cay mà không bút, sách nào có thể tả lại.
Một Hoàng hậu ở nhiều kiếp trước, nay đầu thai xuống trần, làm một thường dân ở thời hiện đại và chịu câm–điếc bẩm sinh. Bà sinh ra hai cậu con trai, sống trong cảnh túng thiếu và bệnh tật triền miên. Để rồi sau đó chứng kiến nỗi đau mất đi hai đứa con của mình: một chết vì tai nạn và một chết oan uổng.
Kim Ja-Hong, nhân vật chính, là con trai lớn của bà. Người đã chết vì tai nạn nghề nghiệp, người đã từng phải bỏ nhà đi từ khi còn trẻ, để lao động quần quật, gởi tiền về lo cho mẹ và em trai ăn học. Kim Ja-Hong cũng chính là linh hồn thuần khiết được Tam vệ thần biện hộ để vượt qua những cuộc tra khảo, soi căn, tìm nghiệp chướng trước khi xoá tội để tiến tới việc đầu thai nhanh chóng.
Nhưng cú twist cực kỳ hay của nửa thời lượng phim còn lại, chính là sự xuất hiện của một vong quỷ, tức một linh hồn chết oan, chết chưa đến số phải vất vưởng nơi trần gian, trả mối thù đã lấy đi mạng sống của mình. Vong quỷ đó chính là em trai của Kim Ja-Hong, và là cậu con trai út của bà mẹ câm–điếc kia. Vong quỷ chính là sự cân bằng cho linh hồn thuần khiết của mạch truyện, làm dấy lên sự hấp dẫn, đẩy nhanh nhịp phim…
Cứ thế, cứ thế, thân phận của ba mẹ con, từng câu chuyện của ba mẹ con bình thường cứ quấn lấy nhau, cứ xoắn lấy nhau và làm nỗi đau của những người bình thường trong cuộc sống, những người không quá nổi bật và cũng chẳng ai để ý đến. Và cuối cùng, địa tầng Bất Hiếu nơi phán xét bởi Chúa Tể Địa Giới Yeomra tức Diêm Vương, là đại tầng giúp giải mã hết toàn bộ câu chuyện, để thấy, để hiểu, để thấm và để đau cho sự nghèo khó, sự bất hạnh của hoàn cảnh khách quan để dẫn đến những đổ vỡ trong từng thân phận người.
Cuối cùng, điều thú vị nhất còn đọng lại tâm trí người xem, có lẽ, chính là hình ảnh: chiếc nồi cơm điện nấu được cơm cháy. Chiếc nồi cơm điện này đại diện cho sự hiếu thảo, sự hối hận muộn màng của người con dành cho mẹ của mình. Bên trong chiếc nồi có một lá thư, lá thư đó là của Kim Ja-Hong viết cho mẹ mình. Nội dung như thế nào, đạo diễn chẳng tiết lộ rõ, nhưng đến khi người mẹ nhận được chiếc nồi cơm điện kia, thì cậu ta đã không còn trên dương thế. Có quay lại đầu thai, có kịp gặp lại mẹ của mình trong một thân phận khác không? Vậy thì tại sao khi còn sống, ta đã từng muốn kết liễu đời sống đau thương của mẹ mình bằng một chiếc gốc nhỏ? Tại sao ta lại muốn giải thoát tất cả nỗi đau dương thế bằng cuộc du hành mơ hồ vào thế giới của những người đã khuất: một đi không trở lại!
Một bộ phim tận dụng thuyết Phật giáo và sự sống sau cái chết của linh hồn để bàn về về tình mẫu tử thiên liêng, tình anh em và cả những ràng buộc, những quy tắc và mối quan hệ giữa con người và đấng tạo hoá. Linh hồn thuần khiết cũng có thể là một anh lính cứu hoả giúp đời; và cũng có thể là một quân nhân chết oan được định đoạt bởi đấng tối cao. Làm sao để ta có thể được chọn và trở thành một linh hồn thuần khiết? Ta phải sống ra sao trên cõi tạm này?
(Dàn cast xuất hiện đầy đủ trong bộ ảnh thời trang của tạp chí cao cấp High Cut Korea)
Tạo hình đẹp mắt, kỉ xảo tinh tế, kịch bản lôi cuốn mới lạ, am tường Phật pháp đến ngỡ ngàng nhưng không báng bổ mà chỉ lấy đó làm nền để tạo nên một câu chuyện về tình mẫu tử chạm đến trái tim của người xem. Đó là những gì có thể miêu tả ngắn gọn về Thử Thách Thần Chết – Along With The Gods: The Two Worlds. Có lẽ, phim nên đổi tên lại, Thử Thách của Thần Chết thì đúng hơn. Có thử thách đó, ta mới biết sống ý nghĩa hơn, trước khi mọi chuyện đã quá muộn!
(Bộ phim dựa theo nguyên tác truyện tranh nổi tiếng With The Gods của hoạ sỹ Joo Ho Min)
J.N