Viết Ngắn

[Sách] “Nè ông Vũ Đức Sao Biển, ông đối thoại cái gì mà kỳ vậy?”

Ở chương thứ 19, tức chương cuối cùng của cuốn sách Đối thoại với tuổi đôi mươi của thầy giáo–nhà văn–nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, ông đã kết từ như sau:

“Nè ông Sao Biển, ông chat cái gì mà kỳ vậy? Từ trước tới sau, ông chỉ dành ông nói, có cho tôi trả lời câu nào đâu mà ông gọi là chat với tuổi đôi mươi? – ắt hẳn có em sẽ phiền trách tôi như vậy!”

Thưa nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, với kinh nghiệm đường đời mà ông đã trải qua, sẽ không có nhiều người dám ngồi đối thoại với ông, thế nên hậu bối tốt nhất là lắng nghe… bằng cách đọc những kinh nghiệm mà ông kể lại bằng chữ trong cuốn sách của ông: Đối thoại với tuổi đôi mươi (Nhà xuất bản Trẻ, in lần thứ 2 năm 2017). Tuổi đôi mươi đây có thể là tuổi trẻ, ô-mai mới bước vào đời; hay cũng có thể mở rộng ra với những đối tượng độc giả đang sở hữu tuổi hai mươi lần thứ hai trong cuộc đời của mình (hoặc hơn nữa). Những chuyện kể của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển không nặng nề, hoa mỹ, mà gần gũi với những câu chuyện ý nhị của cá nhân trong cuốn sách gần 300 trang.

Bạn đã nghe ca khúc Thu Hát Cho Người với giọng hát nam trầm ấm của Quang Dũng chưa? Tác giả của ca khúc này chính là nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển. Thế nhưng, trong cuốn sách này, không có chương riêng biệt nào nói về sự nghiệp của tác giả, mà trải dài 18 chương chính lần lượt từ: Tuổi thơ; Bỗng nhiên mà họ lớn; Nợ Vu Sơn; Ngày ấy, đôi ta; Tiền; Thần tượng; Dâng hoa cho đời; Người trung thực; Bạo lực; Ăn; Mặc; Quê nhà Yêu Dấu; Ngủ giữa rừng Angkor Vat; Giao tiếp; Đau khổ và hạnh phúc; Học và hành; Việc làm; Người già.

18 chương có thể được tác giả viết dựa theo con số 18 đẹp nhất của đời người; hoặc cũng có thể là số tưởi đánh dấu bắt đầu vào đời, thoát khỏi cơm áo mẹ cha; hoặc 18 chương cũng có thể là điều vô tình, tác giả viết và vô tình dừng lại ở chương thứ 18; hoặc cũng có thể dựa theo những thứ tự đặc biệt: ai cũng có một tuổi thơ, rồi bỗng nhiên ta phát hiện ta đang lớn lên, ta khám phá bản thân và những khác biệt ở người khác, rồi ta nếu thử vị của tình yêu đầu tiên trong đời, rồi ta thèm tiền để làm những điều ta muốn như chơi game, mua iPad, mua sách, mua túi đẹp, quần xịn, rồi ta mê mẩn ca sỹ này, diễn viên nọ rồi ta khao khát làm điều gì đó lớn lao cho đời, rồi ta bắt đầu giao tiếp, ta đau khổ, ta hạnh phúc, ta tiếp tục học và đi làm mưu sinh….

Sách cũng giống như tranh vẽ, cảm nhận nằm ở người thưởng lãm, không thể nằm trong một khuôn ý nào được. Chỉ biết rằng kiến thức của nhạc sỹ rất rộng lớn, và cũng có thể nhìn được từ góc độ người đọc, ông là người cầu toàn, rất kỹ tính và tự trọng. Ông muốn đối đối thoại với những ai đọc cuốn sách này nhưng ông không xài e-mail, không trả lời tin nhắn, không địa chỉ nhà, không chơi Facebook, không xài blog… nói chung là khả năng tiếp tận ông là… không có. Vậy thì làm sao có thể đối thoại với ông được, thế nên ông mới tự hỏi thay cho độc giả: “Nè ông Sao Biển, ông đối thoại cái gì kỳ vậy?”

Không! Không kỳ chút nào. Đối thoại không chỉ đơn thuần là A nói B nghe rồi B nói cho A nghe rồi A, B cùng nhau nói. Đối thoại cũng có thể là A nói cho B nghe, rồi B lặng im suy nghĩ, phản ánh trong đầu và có thể thay đổi một chút hành động sau đó của mình. Đó mới thật là một cuộc đối thoại hiệu quả. Cuốn sách này là như vậy. Đối thoại một cách gián tiếp với những câu chuyện riêng của một trong những vị nhạc sỹ nổi tiếng của nền tân nhạc Việt Nam.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo đi vì cuộc chiến tranh thực dân của người Pháp, trên một xã miền bán sơn địa ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Trong những năm tháng ấy, người Pháp đánh phá, huỷ diệt rất ác liệt cuộc sống và tài sản của hàng triệu con người Liên khu V. Tôi mới ba ngày tuổi, mẹ tôi đã phải bồng con chạy giặc, về tạm cư ở xã miền biển Tam Thăng, Tam Kỳ. Thời đó, ai cũng thiếu ăn thiếu mặc. Hạt gạo không có, người làng tôi phải trồng khoai, trồng sắn ăn nhanh” ( trích chương 1, trang 10)

hay câu chuyện về giặc chấy rận hoành hành thời đó mà nhạc sỹ đã kể lại trong sách của mình;

Điều kiện vệ sinh kém, giặc chấy rận hoành hành. Chấy ở trong tóc, người ta cạo trọc hay gội đầu bằng bồ kết và xát nước chanh tươi mới có thể tạm diệt được chúng. Cái khổ nhất là rận. Rận ở trong áo, trong quần; người ta phải cởi ra, lấy cái chai lăn cho chúng chết bớt hoặc chắc ăn nhất, nấu nồi nước sôi bỏ bộ quần áo vào trụng...” (trích chương 1, trang 11)

Bạn đã từng trụng quần áo trong đời mình chưa? Bạn đã gặp con rận, con chấy nào trong đời mình chưa? Và cũng có lẽ, tiếng súng đạn, những miền đau khổ chiến tranh chưa bao giờ xảy ra trong ít nhất bốn mươi năm qua, bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Có bao giờ chúng ta đổ bột giặt và thuốc xả mềm vải vào trong máy giặt, ấn nút và cảm thấy vui vì đỡ cực khổ như mẹ chúng ta đã mỏi nhừ đôi tay của những ngày cũ, tháng xưa không?

Cái quý giá của cuốn sách Đối thoại của ông Sao Biển nằm ở đó.

“Tôi biết có một ca sỹ say mê giọng hất và cách hát của ca sỹ Thái Thanh. Và cô cứ vậy mà nhái giọng Thái Thanh, hát giống như cách hát của Thái Thanh. Một số bạn có lẽ chưa được nghe Thái Thanh thời bà ngoài đôi mươi hát, cứ khen vui cô ca sỹ ấy. Riêng tôi, tôi cho rằng đó chỉ là cách mô phỏng trân tráo và nghèo nàn, phải sổ toẹt. Nghệ thuật là sự sáng tạo, là con đường đi riêng của từng người, không ai giống ai. Người ta ở đời có ba thứ không giống vân tay, giọng nói–với ca sỹ là giọng hát và chữ viết” (trích chương 6, trang 102)

Nếu đọc đến những dòng này, bạn có nhớ đến những chiếc xe chở đầy khoai lang nướng hay bánh mì nướng muối ớt dọc những con đường lớn suốt một thời gian dài không? Một người bán khoai lang nướng thành công thì lập tức một loạt người phía sau thi nhau mở và cuối cùng người ta phải dẹp tiệm vì dân tình chán, không ngó đến nữa. Cái riêng của từng người, cái không ai giống ai cũng có thể được vận dụng trong trường hợp này để đối thoại lại chuyện kể của nhạc sỹ.

Hay có bao giờ ta nhìn người khác mặc một chiếc áo đẹp và muốn mặc lấy ngay lập tức dù phong cách và kiểu dáng không hợp với ta không? Cái sự độc đáo, sáng tạo của từng cá nhân cũng có thể được hiểu rộng ra như vậy.

“Làm sao em phải nhái y như họ, trong khi em là một người Việt Nam, có một bản ngã của riêng em? Dẫu em có cố gắng đến bao nhiêu đi nữa thì em cũng không thể là người Hàn Quốc! Học thuộc lòng một ngàn bài thơ, chơi với cả chục nhà thơ đi nữa thì người ta cũng không thể thành nhà thơ, nếu không có một bài thơ cho riêng mình.” (chương mười, trang 174)

Mở cuốn sách ra, ở những chương đầu tiên, về tình yêu, tình dục, về những luận điểm mà tác giả mang đến, có lẽ chúng ta sẽ có chút phản đối. Thế nhưng, với một vị trưởng bối sinh năm 1948 thì có lẽ, luận điểm của ông hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của ông. Bạn có quyền phản biện bởi mục tiêu chính của tác giả là được đối thoại cùng nhau; bạn được quyền từ chối những cái không phù hợp với luận điểm của chính mình và bạn cũng có quyền học những điều phù hợp. Tất cả đều mở. Sách của bạn, bạn có quyền tiếp nhận theo chuẩn ý riêng. Đó mới thật phù hợp với mục đích của tác giả.

Những ngày xuân Mậu Tuất 2018 đã gần kề, hãy tìm cho mình những góc riêng tư, thanh thản, tự tại để đọc cuốn sách này, bạn sẽ không cảm thấy phí 78.000 đồng mình bỏ ra. Bạn sẽ thấy những câu chuyện thú vị, từ những kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm sống đầy thăng trầm của vị nhạc sỹ nổi tiếng, để thấy câu thơ của cụ Phan Châu Trinh mà tác giả dẫn nhập vào chương thứ mười bảy, trang 249 là đúng đắn:

Ví phỏng đường đời bằng phẳng hết

Anh hùng, hào kiệt có hơn ai?

Vâng. Đường đời thì không bao giờ có chuyện bằng phẳng, vì thế cuộc sống mới xuất hiện những con người xuất chúng mà chúng ta gọi là “anh hùng, hào kiệt”. Sống đời rất khó, xã hội càng phát triển thì đời sống càng khó khăn. Cho nên, em phải tự thân vươn lên mà nuôi mình. Tôi không muốn gọi em là anh hùng–hào kiệt; tôi chỉ mong em biết tự lập để vào đời. 

Hãy đọc, hãy khép sách lại, hãy nhớ, hãy phản biện và hãy trở thành những người con tự lập ưu tú mang dòng máu Việt Nam.

J.N

San Jose Winter 2018