Viết Ngắn

Đạo diễn – NSƯT Thành Lộc: “Sự cô đơn của tôi được đền bù”

Người đời vẫn hay gọi Thành Lộc là gã-phù-thuỷ nhưng tôi thấy anh không phải là một gã-phù-thuỷ nào cả. Anh là một người nghệ sỹ không tuổi thì đúng hơn. Mỗi dịp ngồi cà phê với anh là mỗi buổi chiều ngập tiếng cười. Anh luôn tươm tất và sành điệu theo phong cách riêng của chính mình. Anh luôn rời khỏi quán cà phê lúc sáu giờ chiều để đến sân khấu chuẩn bị cho vai diễn của mình. Bất di bất dịch. Và anh luôn bừng tỉnh đôi mắt khi nhắc đến những vai diễn, những ưu tư dành cho sân khấu và đặc biệt là Tiên Nga – vở nhạc kịch thuần Việt do chính anh đạo diễn đã được khán giả miền Nam chào đón nồng nhiệt trong suốt nhiều tháng qua. Tại sao chúng ta không khởi đầu cuộc trò chuyện với anh bằng Tiên Nga?

SG8: Thưa anh, cảm ơn anh đã dành thời gian cho chúng tôi. Xin được phép hỏi anh, để tạo nên thành công cho Tiên Nga Nhạc Kịch ngày hôm nay, anh đã nghiên cứu bao nhiêu tài liệu?

TL: Chào bạn. Thú thật với bạn, tôi không nghiên cứu nhiều tài liệu lắm bởi vì chủ trương của tôi là để cảm xúc chủ quan của chính bản thân mình làm chủ trước.

Khi nghiên cứu quá nhiều tác phẩm, có đôi khi chúng ta vô tình đi theo trình tự chính xác của nguyên tác gốc, mình mất đi cái ngẫu hứng của người nghệ sỹ trong mình. Thế nên, tôi chỉ đọc những gì thật cần thiết, đọc những gì hỗ trợ cho công việc, sự tưởng tượng bay bổng của tôi mà thôi.

SG8: Vậy thì những tham khảo dự trên những bản dựng trước đây, thưa anh?

TL: Cái đó thì có. Vở cải lương Kiều Nguyệt Nga (cố soạn giả Ngọc Cung – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) đã diễn trước đây tạo cho tôi một nền tảng về cái đẹp, về phần nhìn. Nhưng tác phẩm thôi thúc tôi, nung nấu ý chí để tôi muốn làm Tiên Nga Nhạc Kịch chính là vở cải lương Lục Vân Tiên (soạn giả Nguyễn Thành Châu tức NSND Năm Châu) mà chúng tôi đã từng diễn vào những năm 1994–1995 ở Pháp quốc.

Nói nôm na lại, điều thôi thúc tôi muốn làm Tiên Nga Nhạc Kịch lại là từ hai vở cải lương. Tôi nhớ trong tác phẩm Kiều Nguyệt Nga, đạo diễn Lưu Chi Lăng có một lớp đối thoại giữa Kiều Nguyệt Nga dành cho Kim Liên rằng: “Em cũng là một quốc sắc, em cũng được quyền khoác lên mình chiếc áo cưới như ta”; thì nàng tỉ tất (tức người hầu gái) Kim Liên từ chối ngay đề nghị đó. À. Tôi nhìn thấy được sự phản kháng yếu ớt của Kim Liên lúc đó, tôi cũng ấn tượng với sự chính trực của Vương Tử Trực khi anh ta thoá mạ gia đình Võ Công… Tất cả khiến tôi muốn kết hợp hai điểm này thành một điểm thống nhất, hoàn chỉnh về vận nước trong tác phẩm của mình.

SG8: Kể từ khi công diễn ngày 14–12–2017 đến thời điểm này, có thể tính luôn suất diễn ngày 30 và 31–3–2018 khởi đầu của năm Mậu Tuất 2018, anh hài lòng và không hài lòng cảnh nào nhất trong Tiên Nga Nhạc Kịch?

TL: Tôi nghĩ khán giả họ mới có quyền thích cái nào nhất, cái nào nhì; còn công việc của người đạo diễn thì phải bố cục sao cho tất cả các cảnh phải hấp dẫn như nhau. Một vở diễn giống như một cái bản đồ rất rõ ràng, xác định khu vực nào trung tâm, khu vực nào ngoại thành để tạo nên một tổng thể thành phố hoàn hảo. Tất cả đều phải được dồn công sức vào. Nhưng nếu nói cảnh nào tôi thật sự đặt sự chú tâm vào, thì đó chính là cảnh kết của hồi II, khi Kim Liên thích khách vua Phiên. Như tôi đã trình bày ở trên, tôi đã kết hợp những điều tôi ấp ủ, tham khảo từ những vở cải lương đã được xem trước đây, để tạo nên cảnh đó trong Tiên Nga Nhạc Kịch.

(Vì lý do sức khoẻ, diễn viên Lê Khánh không thể đồng hành cùng Tiên Nga Nhạc Kịch trong năm 2018 nhưng vai diễn nàng Kim Liên vẫn là một nốt son đáng giá trong sự nghiệp diễn xuất của cô. Được viết, nữ diễn viên cải lương xinh đẹp Trinh Trinh đã được đạo diễn Thành Lộc chọn để tiếp tục hành trình của Người phụ nữ phương Nam – Kim Liên)

SG8: Cách đây hơn 100 năm, có một sỹ quan người Pháp là ông E. Gibert đã từng say mê truyện thơ nôm Lục Vân Tiên của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu, ông say mê đến độ đã đặt hàng hoạ sỹ hoàng gia Huế là ông Lê Đúi Trạch vẽ toàn bộ tranh minh hoạ cho truyện thơ đó. Tác phẩm đã được dịch giả Abel des Michels chuyển ngữ sang tiếng Pháp và giáo sự Phan Huy Lê đã tìm cách để phát hành tại Việt Nam (NXB Văn Hoá Văn Nghệ) như hình thức bảo tồn và giữ gìn di sản của dân tộc. Hơn 100 năm sau, Thành Lộc lại là người tiếp tục tìm đến di sản kia theo cách riêng của mình. Anh có suy nghĩ gì về sự trùng hợp vô hình này không?

TL: Tôi may mắn được chị Nguyễn Thị Minh Ngọc tặng cho cả bộ sách quý này: một cuốn truyện thơ Nôm với hình minh hoạ và một cuốn chú giải in riêng. Nhưng thực ra, tôi không có thời gian để nghiên cứu sâu vào công trình đó. Như đã nói với bạn lúc đâu, tôi rất sợ đọc nhiều tôi sẽ bị ảnh hưởng, làm mất đi đường dây mình đã tưởng tượng trong đầu. Tôi chỉ muốn liên kết tất cả những thứ mình đã tạo khái niệm lại để hình thành đường xây duyên suốt với quan điểm sống của mình. Sự trùng hợp như anh nói đó là sự tình cờ. Khi người ta có suy nghĩ tương đồng, chạm vào một tác phẩm họ yêu thích thì sẽ bật ra những cảm xúc hay hành động khá giống nhau, dù là ở chiều không gian thời gian nào.

Tôi đọc Lục Vân Tiên, tôi thấy đó là câu chuyện thật của cụ đồ Chiểu, cụ muốn mượn hình ảnh của anh chàng họ Lục để gởi gắm tâm ý của bản thân vào đó. Lục Vân Tiên khóc mẹ đế mù mắt thì cụ Chiểu cũng có thể là người đã khóc mẹ đến mù mắt; và cũng có thể là hình ảnh của một người dân khóc cho tổ quốc mình bị xâm lược. Mất tổ quốc là mất phương hướng, tất cả đều giống như người mù vậy. Chính vì vậy, trong lớp diễn Vân Tiên khóc mẹ mù mắt ở Tiên Nga Nhạc Kịch, tôi đã để hình ảnh cụ đồ Chiểu xuất hiện cùng hai thầy trò Vân Tiên, đó là mảng miếng tôi tâm đắc.

(Một trong những phân đoạn hay nhất của Tiên Nga Nhạc Kịch dưới góc nhìn của đạo diễn Lộc và một trong những tác phẩm tranh vẽ cách đây hơn 100 năm dưới góc nhìn của hoạ sỹ hoàng gia Huế Nguyễn Đúi Trạch lưu lạc gần 100 năm ở nước Pháp. Bản quyền ảnh trên của nhiếp ảnh gia Kiếng Cận; ảnh dưới của Nhà xuất bản Văn Hoá – Văn Nghệ)

SG8: Vậy thì ở những ngày đầu khởi động 2018 này, anh mong mỏi điều gì nhất?

TL: Tôi mong Tiên Nga Nhạc Kịch sẽ sống lâu dài trong tâm trí người thưởng thức nghệ thuật, giống như những đoàn cải lương trước đây có những vở diễn sống hoài với thời gian trong lòng khán giả vậy. Tiếng lành đã bắt đầu đồn xa, không phải từ những bài PR quảng cáo mà đơn giản là từ những trang mạng xã hội cá nhân của những khá giả xem.

Tôi rất hạnh phúc khi đọc những dòng nhận xét của các bạn, đó là những nhận xét “organic” làm ấm trái tim của tôi. Nếu một ngày nào đó, vì một vài lý do nào đó Tiên Nga Nhạc Kịch không tiếp tục trình diễn ở nhà hát lớn thì tôi sẽ làm một bản dựng khác, đại loại như semi-classic để diễn trong khán phòng nhỏ hơn. Vì tinh thần của Tiên Nga Nhạc Kịch rất đương đại nên tôi muốn giữ để trình diễn mãi.

SG8: Rất nhiều khán giả trẻ rủ nhau mặc áo dài truyền thống của dân tộc để đi xem Tiên Nga Nhạc Kịch và đặc biệt là khi kết thúc vở diễn, toàn bộ khán giả đều đứng lên đễ vỗ tay tán thưởng. Bây giờ khán giả Việt đã có nhu cầu thể hiện sự văn minh, anh nghĩ gì về điều này, khi nhìn thấy từ trên sân khấu xuống?

TL: Tôi bất ngờ vì điều đó vì tác phẩm của mình làm ra được công chúng trân trọng nhiều như vậy. Nhìn vào hình ảnh của những bạn trẻ mặc áo dài đi xem, tôi xem đó là nguồn khích lệ lớn lao. Nếu để ý kỹ, trong tác phẩm của mình, nhân vật của mình cũng toàn mặc áo dài thôi. Tất cả làm cho trái tim tôi ấm áp trở lại và tôi rất cảm ơn quý khán giả đã dọn mình một cách tươm tất để đến với tác phẩm của chúng tôi.

Tôi còn nhớ năm 2010, tôi có dịp thăm thú nước Nhật và đến xem một vở diễn ở một nhà hát Kabuki (Tokyo–Nhật Bản), một thể loại nhạc kịch kinh điển của Nhật Bản (Kabuki chữ Kanji là 歌舞伎 với 歌 là ca-xướng, 舞 là vũ và 伎 là thủ-hành động-kỹ thuật… – PV), tất cả phụ nữ đều mặc kimono truyền thống để đi xem loại hình nghệ thuật Kabuki độc đáo này. Đẹp! Đẹp lắm! Chúng tôi bước ra khỏi cửa, không về mà đứng lại ngay cửa để nhìn tận mắt những bộ kimono truyền thống của nước bạn. Bậc thầy sân khấu Konstantin Stanislavski đã từng bảo: “Hãy bỏ những đôi hài bẩn ở bên ngoài thánh đường”. Tôi đặt mãi câu nói này trong trái tim mình và khi thấy khán giả Việt Nam mặc quốc phục là tà áo dài Việt Nam đi xem tác phẩm của mình, tôi phấn chấn rất mạnh mẽ. Tôi xem đó là sự an ủi trong tâm hồn của mình. Bởi vì trong quá trình tạo nên tác phẩm, có đôi khi tôi cảm thấy mình cô đơn lắm vì mình chỉ làm cho mình đọc, mình tưởng tượng, mình biết mình mà thôi. Còn bây giờ, khán giả đã quá tươm tất, quá tử tế, quá đẹp để đồng hành cùng tôi. Thế thì sự cô đơn của tôi đã được đền bù xứng đáng.

SG8: Nhưng xin anh hãy chia sẻ một chút, có khi nào anh cảm thấy bế tắc trên con đường tạo nên Tiên Nga Nhạc Kịch không?

Không! Tôi chỉ cảm thấy đôi khi mình bị phát hoảng vì đã lỡ leo lên lưng con cọp mà con cọp này nó đã chạy rồi, mình không xuống được nữa. Tôi phát hoảng: “Thôi chết, cộng sự này hình như không đúng với tư tưởng của mình ban đầu; cộng sự kia không có khả năng cao như mình tin tưởng gởi gắm; mình bị vỡ kế hoạch sắp xếp trong đầu của mình”. Tôi không phát hoảng hay bế tắc về ý tưởng.

SG8: Sự hay, sự thú vị của Tiên Nga thì không cần phải bàn nữa, chỉ trong khuôn khổ buổi trà chiều hôm nay, xin chia sẻ với anh về bài hát trong vở nhạc kịch. Bản thân tôi vẫn ám ảnh câu Trên đường trần, có khi ta vô vọng, tưởng cùng đường, tuyển đối chẳng còn ai… Nhưng bạn ơi đừng bao giờ tuyệt vọng… Âm nhạc Đức Trí thật tuyệt vời!

TL: Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Bài hát này là bài phá cách duy nhất trong Tiên Nga Nhạc Kịch. Hầu hết các bài hát trong vở đều mang hơi thở của tân nhạc nhưng riêng bài Soi đường, Đức Trí đã hoàn toàn lấy nền ngũ cung của đờn ca tài tử Nam bộ–làn điệu Xuân rồi phối lại toàn bộ trên dàn nhạc điện tử. Nét độc đáo của Đức Trí, sự phát cách của người nhạc sỹ tài ba này gây tấn tượng rất mạnh, tôi tin rằng không chỉ cho tôi, cho bạn mà còn cho nhiều vị khán giả đã đến với Tiên Nga.

SG8: Ở thời điểm này, khi kết thúc những buổi chiều bình yên của một năm gặt hái được nhiều thành quả trong sự nghiệp, anh nghĩ gì?

TL: Tôi chẳng nghĩ gì cả. Tôi chỉ muốn cố gắng hết sức cho con đường nghệ thuật mà tôi và các đồng nghiệp đã chọn. À. Tự dưng trong đầu tôi lại nghĩ đến hình ảnh của hoa anh đào Nhật Bản. Bạn có biết thời điểm đẹp nhất của hoa sakura là khi nào không? Đó chính là khi nó được nở bung hết mức có thể, nhưng thời điểm đẹp nhất lại lại… ngắn ngủi nhất, chỉ có vài giây thôi. Nên thường thì khó để thấy khi nào hoa đẹp nhất lắm, chỉ cần một cơn gió thoảng qua thì nó rã ra, bay theo gió hết. Thành ra người Nhật người ta hay lắm, người ta ngắm Hanami–hoa đào khi hoa đang rã ra, đang bay trong gió. À. Người Nhật tinh tế thật, người ta đẹp nhất khi người ta phát huy hết công sức và người ta giã từ mọi thứ, người ta rã ra, người ta chết đi… Lúc đó mới được thừa nhật là đẹp cho đời.

Nghệ sỹ là một bông hoa có màu sắc sặc sỡ nhất, thì hãy cố gắng khi mình nằm xuống, hương và sắc vẫn còn lưu lại trong tâm trí mọi người. Vậy là đủ.

Thôi đã đến 6 giờ chiều, tôi phải chuẩn bị cho vai diễn của mình. Tạm biệt bạn.

... Và thế rồi, người nghệ sỹ tài năng đội chiếc nón phớt, khoác ba-lô và đi ra cửa. Phía đối diện, nắng chiều từ bờ sông hắt vào người anh. Mọi thứ thật đẹp. Cảm ơn đạo diễn – NSUT Thành Lộc về buổi trò chuyện quá thú vị đầu năm.

J.N