Chuyến bay của hãng South West đập cánh trong gió và đáp xuống mặt đất an toàn. Tôi bước nhanh để tận hưởng một chút không khí của biển khơi, của ánh nắng vàng quen thuộc – đặc sản của California – và tìm cho được cô em gái sẽ “host” mình trong vài ngày tới.
À. Chiếc xe Mazda màu xanh nước biển – lại là màu của biển tôi thích – đậu ngay trong tầm mắt. Vài năm không gặp, vừa mừng, vừa vui thì ông trời… đổ cơn mưa rào. – chuyện hiếm thấy ở San Diego. Cô bé nói: “Anh trai đói bụng hông? Em chở anh đi ăn mì ramen nha. Chời ơi. Em biết có một tiệm Ramen mới mở ở đây ngon lắm. Nhưng phải xếp hàng đó. Mà không biết giờ còn không. Thôi anh em mình đi đại anh nghe.”
Hàng quán bên Mỹ không có “tạo hình” xa-xỉ-phẩm như ở quê nhà đâu. Quán mì Ramen nằm trong một khu phức hợp, liền kề cùng các hàng quán khác, trông chẳng có gì khác biệt. Sau khi tìm được chỗ đậu xe, anh em chúng tôi bước vào quá. Hên quá, trời tạnh mưa nhưng đủ lạnh để tận hưởng mì Ramen nóng. Mở cửa bước vào, người nữ phụ vụ – cô hơi lớn tuổi một chút – mời chúng tôi đi ra một cách nhẹ nhàng, bằng tiếng Anh pha tiếng Nhật mà phải nhìn hình-đoán nhạc hiệu chứ biết làm sao.
Quá nhỏ, người đã đông và chúng tôi quên nhấn vào chiếc iPad phía trước tiệm để… lấy số thứ tự. Ở Mỹ, không phải có tiền là có quyền. Mọi người bình đẳng như nhau, người cần bán và người cần no bụng luôn đặt trên một mặt phẳng thẳng tắp, cứ thế mà tôn trọng nhau sống. Hai anh em đứng ngoài bị gió lạnh thổi vùn vụt qua nhưng hình tô mì Ramen ngon quá, đọc lướt qua dòng tiểu sử lai lịch in thẳng trên gương to đùng lại càng xoa dịu nỗi đau ngọt ngào hơn.
– Năm 1994 mở tiệm mì Ramen đầu tiên tại Nhựt Bổn, cụ thể là ở thành phố Odate, Akita.
–Từ năm 1997 đến 2009 mở 5 cửa hàng khác nhau ở Akita và Aomori (Nhựt Bổn) và đoạt giải 3/10 của cuộc thi do đài KHB phát sóng mang tên Your Favorite Tohoku Ramen.
–Tiếp theo là rất nhiều giải cao cùng với các cửa hàng tiếp theo được mở và trở thành nhà hàng Ramen bán chạy nhất với 7.644 tô mì ramen năm 2013.
–Năm 2015 và 2016 mở hai cửa hàng ở Đài Loan
Và..
Chúng tôi đang có mặt tại cửa hàng Ramen mang tên Menya Ultra – cửa hàng thứ 12 trong hệ thống và là cửa hàng đầu tiên có mặt ở thành phố biển San Diego, tiểu bang California, Mỹ.
Đảo mắt nhìn xong lịch sử, bụng đã réo; hên quá, đã được vào bên trong. Một cửa hàng không quá rộng, không quá sang trọng, không quá cầu kỳ phức tạp như những cửa hàng sushi/đồ Nhật nổi tiếng ở Sài Gòn. Mọi thứ thật bình dị với không gian mở: bàn gỗ xung quanh, thực khách xì xụp húp mì ramen và ngắm nhìn các anh đầu bếp Nhật thoăn thoắt trụng mì và chế biến. Thơm. Thơm phức! Chỉ cần thấy không gian và ngửi mùi thức ăn thì bụng đã sôi lên ùng ục.
Tôi chẳng nhớ cô em gái đã gọi gì nhưng tôi thì gọi Tonkotsu Chashu Ramen với nước súp màu trắng đục được làm từ nước hầm thịt heo, nước tương và dầu cá cùng với các topping như 6 lát thịt heo khoanh, giá trụng, hành lá, nấm mèo và mè rang – trứng và thịt heo chiên xù là gọi thêm cho đậm đà.
Trộn tất cả mọi thứ lên cho topping, mì và nước soup hoà quyện vào nhau; đưa muỗng húp nhẹ một chút nước súp: “God! Sự hoà quyện giữa độ béo vừa phải, mịn màng, thơm ngọt của nước hầm, tất cả đều rất thanh đúng vị của người Nhật. Nấm mèo và giá làm tăng độ sần sật trong miệng; thịt heo đã ghi rõ ở trên chỉ cần ngửi là thấy thơm, đừng nói gì ăn–tan ngay trong miệng. Và không sai, thịt heo chiên xù vô địch thiên hạ”
Cái tô mì Ramen của người Nhật nó lạ lùng lắm, nó đơn giản, nó mở toang cho người thưởng thức tất cả những thành phần nào có trong đó nhưng không phải ở đâu nấu cũng được hương vị như vậy. Khác với hương vị của mì người Hoa hay những món bún/mì đậm đà của Việt Nam ta; mì Ramen của người Nhật tạo nên nét rất riêng, đơn giản nhưng tinh tuý không thể lẫn vào đâu được. Thảo nào, người Mỹ xếp hàng đông như thế.
(Bản quyền ảnh của: Candice Woo/ Eater San Diego)
(Từ trái sang: Hiro Endo và đầu bếp/chủ nhà hàng Takashi Endo. Bản quyền ảnh của: Candice Woo/ Eater San Diego)