Đi Đó Đây

Dạo Một Vòng Trường Đại Học Lừng Danh Stanford

Stanford, một trong những trường Ivy League danh tiếng của Mỹ, là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh và tất nhiên cả các bậc phụ huynh. Để được nhận vào Stanford không phải điều đơn giản. Tiền là một chuyện, chuyện tiếp theo là quá trình tuyển chọn với nhiều khâu nhằm lọc ra những sinh viên ưu tú nhất của nước Mỹ và thế giới. Hồ sơ xin nhập học vào Stanford gồm: Điểm SAT hoặc ACT (chú trong môn luận văn và viết); transcript bảng điểm từ năm lớp 9–lớp 12; thư giới thiệu của hai giáo viên bộ môn (Anh ngữ/Toán/Khoa học thường thức/Ngoại ngữ/Lịc sử-Xã hội) lớp 12 hoặc lớp 12; Đơn xin nhập học; 90 đô-la Mỹ phí không hoàn lại; Essay-luận văn thể hiện tiếng nói riêng, nguyện vọng của học sinh muốn được trở thành tân sinh viên của Stanford; và vòng phỏng vấn trực tiếp để quyết định tương lai của sinh viên, etc.

Để làm tân sinh viên của Stanford thì con đường đi thật gian nan và vất vả; nhưng để làm du khách cưỡi ngựa xem hoa ở Stanford thì chỉ cần ngồi lên con ngựa và thẳng đến 450 Serra Mall, Stanford, CA 94305. Khởi hành từ thành phố Bắc California San Jose, chúng tôi chỉ mất khoảng 30 phút chạy xe để đến thăm khuôn viên trường đại học danh giá này. Đường rất sạch, xe chạy mượt mà, êm ru. Hai hàng họ xanh rì hai bên tạo độ hút nhất định trên đường tiến vào khuôn viên.

Bãi đậu xe hơi chật kín , chắc chắn không phải của sinh viên mà phải thuộc sở hữu của du khách vì thời hạn đậu xe chỉ được 2 giờ đồng hồ. Một thảm cỏ rộng lớn chiếm hết tầm nhìn của chúng tôi. Vậy thì trường đại học nằm ở đâu? Stanford nằm ở đây, tất cả các phân viện của trường đều tập trung xung quanh thảm cỏ rộng như một sân bóng đá này. Kẻ ngồi ăn trên cỏ, người chạy xe đạp, kẻ đẩy ván trược, người thong dong đi bộ hít thở khí trời trong lành. Sát bên chúng tôi còn có một gia đình người Ấn Độ đang chăm chú theo dõi brochure/thông tin của trường và trò chuyện với cô con gái trẻ của họ.

Thực ra, đi Stanford mục đích chính là đi chụp hình, đi xem thử trường đại học nổi tiếng ra làm sao. Cũng giống như chúng ta thấy ngôi sao Hollywood muốn chụp hình chung với họ một tấm làm kỷ niệm. Còn hẹn hò được ngôi sao đó đi ăn tối hoặc cùng uống một ly cà-phê thì câu chuyện khác…hẳn.

Thôi thì chụp tấm hình vậy. Trung tâm của Stanford chính là khuôn viên rộng lớn ở trên, gọi là Quadrangle.

Người La Mã đã phát minh ra mái vòm Arch cho kiến trúc tuyệt đỉnh của họ, nay ghé Stanford, bạn cũng có thể nhìn thấy Memorial Arch tuyệt đẹp, tinh xảo bằng đá. Dân Stanford gọi là Quad Arcades.

Tiến sâu vào bên trong the Quad, thẳng từ thảm cỏ, chúng ta sẽ bắt gặp 6 bức tượng điêu khắc của tác phẩm The Burghers of Calais (tạm dịch Những người dân tỉnh lẻ ở thành phố Calais) của nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin. Họ là Pierre de Wiessant, Eustache de St. Pierre, Jean d’Aire, Jean de Fiennes, Jaques de Wiessant, và Andrieu d’Andres.

Điêu khắc gia Rodin được chỉ thị của thành phố Calais vào năm 1884 để tạo nên một tác phẩm điều khắc nhằm tôn vinh những người anh hùng của cuộc Chiến tranh Trăm năm–the Hundred Years’ War. Được biết, đây là cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp kéo dài từ năm 1337 đến năm 1453 để giành phần lãnh thổ, ngôi vị hoàng đế của Pháp quốc thời Trung cổ. Cuộc chiến tranh này đã thay đổi mặc chính trị, kinh tế của Anh–Pháp, đồng thời được ghi nhận sử dụng nhiều loại vũ khí và chiến thuật mới, lỗi thời của quan đội phong kiến.

Ronin đã chọn 6 người đàn ông của Calais, trong số 1347 người tiên phong rời thành phố của họ, bởi Calais đã thất thủ. Họ đi chân trần, trói dây thừng quanh cổ, khoá tay và tự nguyện hy sinh cho Vua Edward Đệ Tam của Anh quốc. Dũng khí, quyết tâm, sự hy sinh của họ đã giúp thành phố thoát khỏi sự cướp bóc, hoảng loạn bởi Calais đã bị cô lập hoàn toàn trong trận chiến. Gương mặt của các bức tượng được khắc lại ở thời điểm họ rời khỏi thành phố, quê hương của mình.

Tác phẩm của Rodin, về 6 người đàn ông, đã đề cao chủ nghĩa anh hùng từ những con người bình thường nhất trong xã hội. Và mục đích chính của tác phẩm này để hậu bối học được sự một minh chứng cho lòng dũng cảm từ những tiền nhân của họ.

(Tác phẩm The Burghers of Calais, chất liệu đồng, điêu khắc, 1884-95 của Musée Rodin, tại thủ đô Paris, Pháp quốc)

Tác phẩm của Rodin sẽ được tìm thấy tại trung tâm của Quad, ở Đại học Stanford. Có điều, 6 người đàn ông trong tác phẩm sẽ đứng tách biệt ở các hướng khác nhau, không dính liền như ở Paris.

(Biên tập viên của theSAIGON8.com cũng lưu giữ lại một chút kỷ niệm với tác phẩm ý nghĩa này)

(Rất nhiều du khách Việt Nam thích thú với tác phẩm của Rodin khi có dịp ghé thăm Stanford. Ảnh: Doanh nhân Trịnh Duy Hải, Stanford, tháng 11–2016)
Từ Burghers of Calais, tiến thẳng vào trong Inner Quad, chúng ta sẽ thấy một quảng trường rộng lớn, lát gạch và một nhà thờ có kiến trúc đẹp lộng lẫy: Memorial Church. Nhà thờ được xây dựng để tưởng nhớ đến người sáng lập trường là Thượng nghị sỹ Leland Stanford qua đời năm 1893. Trước đó, người con trai duy nhất của ông bà là Leland Stanford Jr. chẳng may qua đời vì sốt thương hàn năm 1884, chỉ hai tháng sau khi mừng sinh nhật 16 tuổi. Ngôi trường đại học này, về căn bản, cũng là sự tiếc thương và một động lực để bậc phụ huynh là ông bà Leland Stanford dành để tưởng nhớ cậu con trai của mình.

(Chân dung của gia đình Thượng nghị sỹ Leland Stanford, Jane Lathrop Stanford và Leland Stanford Jr. chụp vào năm 1878. Bản quyền hình ảnh của trường đại học Stanford) 

Nhà thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư 28 tuổi Charles A. Coolidge và được đảm nhiệm xây dựng bởi John McGilvray, người từng đảm nhiệm các công trình nổi tiếng lúc bấy giờ là Khách sạn St. Francis hay cụm Toà thị chính ở thành phố San Francisco. 

Các khối đá, cột trụ vẫn đẹp và bền vững theo thời gian. Chữ HOPE-Hy vọng vẫn luôn nằm ở trung tâm chính của nhà thờ. 

Điêu khắc tuyệt đẹp với hai vị thiên thần trên cửa chính, trước khi bước vào sảnh lớn của Memorial Church. 

Kiến trúc ghép tranh mosaic từ thời Byzantine cũng có mặt tại khuôn viên trường. 

Kiến trúc mái vòm, oculus, tuyệt đẹp, rộng lớn bên trong nhà thờ. 

Oculus, giếng trời rộng mở, lấy ánh sáng của Thiên chúa, cùng với 4 vị Thánh thiên thần, mang phước lành đến cho mọi người. 

Bức tranh tường thể hiện Thiên đàng đã mất–The Paradise Lost, khi Adam và Eva đã cãi Đức Chúa Trời, ăn trái cấm và trốn xuống trần gian. 

Dạo một vòng quanh Stanford, trở về, mới thấy được sự ảnh hưởng rất mạnh và nghiêm trang của Thiên chúa giáo cùng với hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ. Sự khai phóng, rộng mở của Thiên chúa giáo cũng góp phần làm nền tảng cho một nền giáo dục tự do, tuy nghiêm khắc nhưng không cổ hủ nơi đây. Nếu bạn muốn con bạn trở thành tân sinh viên của Stanford, sao không thử ghé một lần thăm trường? Ước mơ không ai tính phí và hoài bão của phụ huynh dành cho con trẻ là bao la.

(Bản quyền ảnh của trường Đại học Stanford)