Viết Ngắn

Nguyễn Thị Minh Ngọc – Người đàn bà có nhiều cây táo

Viết về một nhà văn–đạo diễn–diễn viên gạo cội của nghệ thuật sân khấu–điện ảnh–văn học miền Nam Việt Nam không phải là một đề tài dễ dàng. Hơn 4 tháng trời, tôi loay hoay không biết khởi đầu bài viết từ đâu, kết thúc bài viết như thế nào.

Đề bài thật đơn giản: Hãy khắc họa chân dung của một bậc tiền bối mà em yêu thích! Viết đi. Khắc hoạ đi. Bình luận đi. Thế nên, cậu học trò đành phải sang tận nhà của người thầy tưởng tượng để cảm nhận cho hết cái chân thật của một Nguyễn Thị Minh Ngọc đời thường. Đó là một buổi trưa, trời rất nắng. Cái nắng hầm hập quen thuộc của Sài Gòn, cái không khí hanh khô như muốn nung lớp nhựa cứng bọc lấy cái nón bảo hiểm trên đầu. Chị chuẩn bị trở về lại Mỹ và một tháng sau, tôi nối gót theo chị trong chuyến tu nghiệp lâu năm… cũng ở Mỹ. Thôi thì cứ tranh thủ còn ở Sài Gòn với nhau bao nhiêu phút giây, cứ dành trọn cho nhau vậy. Tôi vừa chạy xe gắn máy, vừa đọc tin nhắn của chị: Chút nữa 12 giờ trưa, em có xe chở giùm chị qua bên HTV chị quay talkshow nha.  Vừa đọc xong tin nhắn, tôi đã đến con hẻm ngay Cách Mạng Tháng Tám, dừng xe trước công một căn nhà sơn màu xanh da trời đã phai màu, quyện thêm lớp gradient  màu xanh rêu của rêu…thiệt cùng những lớp vảy màu tróc ra từ cánh cửa sắt. Bên trong, phòng khách tầng trệt trống hoác; không có đèn chùm pha lên; không ghế Barcelona thời thượng; không kiến trúc đường đại tân kỳ. Trống hoác! Một chiếc bàn gỗ nhỏ đặt một chiếc máy vi tính có một khối u nhựa phía sau thời Napoleon đệ Window 98s; và có người ấy. Viên Ngọc của Sài Gòn (tên một quyển sách tản văn của chị) ngồi lọt thỏm trong không gian đó; tóc đen, mắt tròn, trên ti-vi ngày xưa sao thì bây giờ như vậy. Gạt chống xe: Dạ. Thưa chị Ngọc em mới tới.  Cô giáo cười: Ngồi chơi cưng. Uống nước chị lấy. Thôi. Không dám. Ai nỡ để trưởng bối phục vụ. Nói chuyện luôn đi. Phác thảo chân dung ngay để còn kịp thời gian. Hỏi gì? Hay thôi khỏi. Để chị ấy tự kể?

SG8: Thưa chị. Chị nghĩ gì về thời cuộc xã hội khi đừng giữa hai bờ văn hoá khác nhau? Chị đang mong đợi điều gì ở các bạn trẻ–thế hệ nối tiếp?

NTMN: Tôi đang ngồi ghi chép từng người mà mình đã gặp, bên kia cũng ghi mà bên này cũng chép, nếu họ thật sự muốn mở rộng tấm lòng. Mục đích của tôi khi thực hiện cuốn sách này sẽ đề: tặng những người chưa sanh. Có thể mấy em bây giờ không quan tâm, nhưng mấy em chưa sanh ra trên đời, sau này, có tài liệu đâu để mấy đứa đọc, nghiên cứu, nhìn lại một chặng đường xã hội đã đi qua. Khi tôi làm dự án này, tôi đã nghe nhiều câu chuyện hay lắm, chỉ với ba câu hỏi đơn giản dành cho người đối diện: Hồi nhỏ mơ ước gì? Lớn lên thích làm gì? Nếu có thời gian quay lại, em chọn công việc mình yêu thích từ nhỏ hay chọn công việc đang nuôi sống hiện tại? Nhân đây tôi kể em nghe một chuyện có thật, của một người mẹ–nội trợ trong gia đình có 3 cậu con trai giỏi giang. Ngay từ nhỏ cho đến khi các em tốt nghiệp, ra trường với tấm bằng bác sỹ, kỹ sư và gần lập gia đình thì chị này vẫn duy trì một thói quen: Tuyệt đối không để thức ăn dư trên bàn! chỉ với lý do đơn giản: Cô ấy đã nhịn đói suốt nhiều ngày liền khi đi vượt biên cùng gia đình. Tôi nghĩ biến cố cuộc sống đã rèn luyện người phụ nữ này một kỹ năng dạy con rất hay, không nên sống phung phí. Đôi khi về Sài Gòn, tôi có cảm giác nhiều cháu được cưng chiều quá mức, đôi khi trở nên phung phí.

SG8: Hay bởi vì phụ huynh của các bạn trẻ bây giờ đã từng sống trong một khoảng thời gian quá khắc nghiệt nên bây giờ họ dành hết tình thương cho con trẻ khi họ đủ đầy về kinh tế, chị nghĩ sao?

NTMN: Trong cuộc sống này, tôi nghĩ vẫn tồn tại đâu đó những mảnh đời có khi còn khổ hơn cả người phụ nữ mà tôi đã kể ở trên. Nhưng mấy ai nhìn nhận được vấn đề để nuôi dạy con? Và sau khi thoát khổ, thời điểm này rất quan trọng, tuỳ theo tâm cảnh của mỗi người, họ sẽ có những hành động riêng A, B, C, D… Tuỳ họ thôi em.

SG8: Vậy em có thể hỏi ba câu hỏi đó của chị… dành cho chính chị không?

NTMN: Có một điều kinh hoàng cho chính tôi mà phải thú nhận với em. Năm 2000, tôi đã từng hỏi bản thân mình một câu duy nhất: Mình đã làm được gì cho mình chưa? Chưa! Gần 19 năm nay, tôi đã làm việc cho ai? Học trò, bạn bè, em út trong gia đình… Tác phẩm tôi mơ ước nhất trong đời tôi đã làm chưa? Chưa! À. Hoá ra, cái người mà tôi đối xử tàn tệ nhất đó chính là…  chính tôi. Bây giờ, tôi đã manh nha lo cho tuổi trẻ của những người khác rồi; vậy mà nhiều khi nghĩ lại, tôi không hề đối xử tốt với tuổi trẻ của chính mình. Vì cả nể, vì tình cảm trong nghề, vì yêu sân khấu, tôi vẫn làm theo những đơn đặt hàng của anh em, bạn bè, đồng nghiệp: Chị Ngọc giúp em đi, để tụi em có phim đầu tay… Nhiều khi ngồi nghĩ lại, đâu phải cảm xúc của tôi. Tôi sống trong cảm xúc của người khác thành ra tôi quên mất chính tuổi trẻ của mình. Tôi nợ tuổi trẻ của mình một câu xin lỗi. SG8: Ước mơ của chị bây giờ là gì?

NTMN: Ước mơ của tôi hả? Là biết nói “Không”, biết từ chối.

SG8: Vậy thì thất bại lớn nhất trong đời chị sẽ là…  NTMN: Là tôi đã không thể nói lời từ chối, đã không thể nói “Không” một cách mạnh dạn.

SG8: Nhưng thưa chị, trong bất kỳ sự hợp tác nào, dù miễn cưỡng hay không, chị cũng nhận lại được từ đối tác của mình mà! 

NTMN: Tất nhiên rồi em, trên con đường không chỉ riêng bản thân tôi, mà tất cả chúng ta khi làm việc, hỗ trợ, hợp tác hay giúp cho người khác, đều nhận lại được thành quả rất riêng. Gần đây nhất, có hai tác phẩm làm tôi vui sướng là Nhạc kịch Tiên Nga (Đạo diễn: Thành Lộc) và phim điện ảnh Song Lang (Đạo diễn: Leon Quang Lê). Nhưng điều tôi đang nói ở đây, không phải tôi hối hận, hay trách móc mà tôi chỉ đang tự nói với lòng của mình rằng tôi phải nghĩ đến bản thân nhiều hơn, tập trung nhiều thời gian hơn cho những dự án mà chính tôi đã ấp ủ và mong muốn từ lâu. Nhiều khi tự nhủ thầm: “Mình sống đến năm nào thì năm đó sẽ là tuổi trẻ của bản thân”; nên năm nay tuôi đã 65 tuổi thì con số này sẽ đánh dấu tuổi trẻ của chính mình. Ở Mỹ, nhiều người hay đùa: 60 tuổi mới là những năm tháng sống cho chính mình, sau khi nghỉ hưu, họ có quyền làm những gì họ muốn. Trước đó, ai cũng phải quay cuồng với cuộc sống và công việc. Đùa nhưng là thật. Vậy thì ở tuổi trẻ lúc 65 này, tôi phải biến điều mình muốn thành hành động. Tôi phải biết “Từ chối”; phải nói “Không”. Nói thì nói vậy thôi, tôi cũng không còn nhiều thời gian để ầu ơ vì dầu nữa. Đã đến lúc sống cho giấc mơ của đời mình.

SG8: Như vậy thì chị sẽ sống bằng gì?

NTMN: Chồng nuôi! (Cười). Chứ bây giờ tôi phải nói sao giờ. Cũng đã từ lâu rồi, tôi cũng bị lợi dụng và bóc lột lắm. Đôi khi cũng nên nói thẳng với em như vậy. Em uống nước thêm, chị lấy cho em.

SG8: Dạ chị cứ uống. Nói thì nói vậy thôi, em thấy những người làm nghệ thuật hầu hết đều yêu quý lẫn kính trọng một Nguyễn Thị Minh Ngọc. Học trò của chị là nghệ sỹ Hữu Châu cũng trở thành một người làm nghệ thuật chân chính và rất tài năng. Sách của chị cũng thuộc dạng best-seller. Kịch bản sân khấu luôn được dựng với tần số cao tại sân khấu Idecaf lẫn Hoàng Thái Thanh. Chưa kể những kịch bản điện ảnh như Tấm Cám–Chuyện chưa kể hay gần đây là Song Lang. Chị cũng có những thành quả nhất định khi đi gieo hạt đó chứ, dù là gieo trên mảnh đất khác. 

NTMN: (Cười) (Không nói gì cả) (Sau đó một hồi lâu) Nhắc đến Hữu Châu mới nhớ. Dễ thương lắm. Tôi còn nhớ ngày 20–11, Châu kêu em gái tới lấy số đo, may cho tôi một chiếc áo đầm để tặng tôi như một món quà kỷ niệm. Tôi vẫn còn giữ đến bây giờ. Mai mốt nhà bán đi, không biết đồ đạc phải thanh lý làm sao. Chị Hai của tôi dặn: Cho phép Ngọc 3 cái thùng các-tông thôi, muốn dọn gì thì dọn nhưng chỉ 3 cái thùng. Tôi nghĩ đồ của tôi phải 30 cái thì may ra dọn mới đủ. Em lên lầu mà xem, đồ của tôi toàn quàn áo và sách vở. Bán cái gì thì bán, dọn cái gì thì dọn nhưng sách là bất di bất dịch. Không bao giờ đụng đến. Đó là kho báu!

SG8: Nhân nói về sách, xin chị vài ba cuốn tiêu biểu, đủ ấn tượng để pop-up ngay lúc này!

NTMN: Tôi nhớ một cuốn mà tôi rất thích khi có dịp đọc lúc còn bé: Cuộc phiêu lưu trên lưng ngỗng của Selma Lagerlof. Nội dung sách xoay quanh chuyến du hành khám phá đất nước Thuỵ Điển của đứa bé nhưng đồng thời tác giả cũng xây dựng những tình huống khó khăn, cần phải đưa ra sự chọn lựa. Tự đứa bé phải suy nghĩ để thoát hiểm là điều kích thích trí óc của người đọc. Đây là một cuốn sách thú vị, vừa giải trí, vừa mơ mộng kiểu trẻ con và có thể ứng dụng tốt vào cuộc sống. Nhiều khi tôi đọc nhiều quá, cũng không thể nhớ hết được. Sau năm 75 thì tôi nghĩ cuốn Suối Nguồn thật ấn tượng. Tôi cũng đã xem phim dựng từ nguyên tác nhưng thú thật là tôi thích phim hơn. À. Còn cuốn Con người hoan lạc của Alexis Zobra nữa. Thú thật là tôi thích sự nổi loạn, phá cách. Hồi học Trung học, tôi đã từng… bị nghỉ học vài ngày vì nhà trường và hội đồng kỷ luật cho rằng tôi đã vi phạm đạo đức học đường vì viết một vở kịch mà không hiểu sao thầy chủ nhiệm lại rất thích, đòi phân vai rồi diễn cho vui, trong khi nhà trường thì lại nghĩ khác.

SG8: Vậy còn sách của chị, chị thích tác phẩm nào?

NTMN: Đó là Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ.

Viết đến đây, bỗng dưng tôi không biết phải tiếp tục đoạn đối thoại theo chiều hướng như thế nào. Thật ra, cuộc nói chuyện với chị Nguyễn Thị Minh Ngọc rất dài, xoay quanh rất nhiều đề tài, từ chuyện cá nhân, đến nghệ thuật, đến những chuyện hậu trường trà dư tửu hậu. Thông tin của chị Ngọc rất phong phú, đề tài thay đổi liên tục nên phải gạn lọc những điều thú vị để mang ra cho mọi người cùng tham khảo. 

Chị có mở máy tính cho tôi xem hình ảnh chiếc xe hơi của chị gặp tai nạn bị bẹp dính như kỷ xảo Hollywood mà chị nói chị vẫn còn y nguyên trong tình thế như chết đi sống lại. Chị cũng có nói chuyện nhiều về ông xã hiện tại, về cuộc sống ổn định khi sống, làm việc, định cư tại Hoa Kỳ Chị kể về mẹ chị, một người phụ nữ luôn làm những điều bất ngờ nhưng kiên định đến tột cùng. Tất nhiên, chị không quên nhắc đế nghệ sỹ Minh Phượng–em gái ruột cũng là một nghệ sỹ nổi tiếng, nay sống và định cự tại Canada. Và còn nhiều điều khác trong suốt một buổi trưa nắng nóng hầm hập đặc trưng của Sài Gòn. Kể từ buổi đàm đạo hôm đó, đến nay, tôi vẫn chưa có nhiều dịp trò chuyện lâu dài với chị hơn. Tôi nghĩ chị đang bận việc gia đình, đang bỏ tiền túi ra mua vé máy bay đi California hỗ trợ một vài đồng nghiệp nào đó, hay đang bên cạnh em gái, đang lái xe đi du lịch cùng ông xã, hay đang ngồi trên xe đò Hoàng viết, chỉnh sửa một kịch bản nào đó. Chị có nói với tôi sẽ không cho phép đối xử tệ với bản thân của mình nữa. Nhưng tôi nghĩ, ai dám, hoặc ai nỡ đối xử tệ với một người đàn bà như chị? Một Nguyễn Thị Minh Ngọc đa sầu-đa cảm- và cũng đa tình: tình cho sự nghiệp sân khấu, văn chương; cho sự nghiệp của người khác và của chính mình. Có người thích trồng một cây táo trên mảnh đất của chính mình. Có người thích góp sức cho những vườn táo khác nhau để cùng nhau hưởng thành quả. Vậy chị Ngọc có táo không? Sao lại không? Nhìn thành công của Tiên Nga Nhạc Kịch và phim Song Lang sẽ thấy sự góp sức là không uổng phí. Đó là chưa kể những trái táo khác trong gần hai mươi năm qua. Và đây là chân dung người đàn bà có rất nhiều cây táo ở những mảnh đất khác nhau. Kết thúc đoạn đối thoại như vậy là đủ. Vì để hiểu được chị Ngọc nhiều hơn, tôi cần có thêm thời gian.

J.N nhớ Nguyễn Thị Minh Ngọc