Đó lại là một chiếc tàu lửa. Nhưng trên chuyến tàu này không có Hercules Poirot–vị thám tử nổi tiếng bậc nhất trong các tác phẩm trinh thám của đại văn hào Agatha Christie. Chuyến tàu hôm nay đi phương Đông nhưng trên các toa tàu không có giường ngủ riêng, không có án mạng nào cả. Chiếc tàu lửa này chỉ có đúng một toa duy nhất, cùng với chiếc đầu kéo nhả khói phì phạch nhưng lạ thay các bánh lăn vẫn trượt rất nhanh và êm trên đường ray.
Nhiều hành khách trên tàu nhưng chỉ có hai sắc dân duy nhất trong đợt này: Việt Nam và Ấn Độ. Chào mừng các bạn đến với hành trình Ấn Độ cùng với toa xe lửa của kiến thức phương Đông: Hồ Anh Thái.
Vị khách đầu tiên, ngồi cạnh khung cửa sổ có nụ cười rất đẹp, mái tóc dài uống xoăn tự nhiên và nói chất giọng miền Trung nhẹ nhàng, rất dễ mến: “Chào em. Chị là Ngô Thị Kim Cúc. Đây không phải là một cuộc du ngoạn, càng không thể là một cuộc du ngoạn vui vẻ. Hành trình đi vào những thân phận người bất hạnh luôn đưa tới những tiếng thở dài tận sâu bên trong, nhất là khi trong những hình ảnh được phản chiếu kia dường như thấp thoáng gương mặt của chính mình, gương mặt Việt Nam. Cũng là một đất nước nông nghiệp đang tìm cách thoát ra khỏi đói nghèo, Ấn Độ còn phải chịu đựng hơn Việt Nam cả một lịch sử phân biệt đẳng cấp kéo dài hàng nghìn năm còn để lại bao nhiêu di chứng. Dươi ngòi bút của Hồ Anh Thái…”
À. Xin lỗi chị. Tôi chưa có dịp gặp nhà văn Hồ Anh Thái. Xin được hỏi trên chuyến tàu này, anh Thái ngồi ở đâu?
Nữ nhà văn cười: “Em hỏi thử nhà văn Lê Minh Khuê đang ngồi đằng kia xem”
Tôi tiến đến gần tác giả của truyện ngắn Một Chiều Xa Thành Phố mà tôi rất thích. Chị cười: “Hồ Anh Thái hả? Tôi không biết đang ngồi ở đâu trên toa này. Nhưng văn của Hồ Anh Thái có vẻ đẹp hầu như là thầm kín… Các tác phẩm của anh đậm đà màu sắc Ấn Độ lắm. Anh mở đầu như là không có gì, nhưng sau mấy câu mở đầu câu chuyện, một thế giới đa dạng, phức tạp, hiện ra, bắt buộc người đọc phải chú ý, và càng đọc càng lôi cuốn…” Vậy thì tôi đã biết Hồ Anh Thái đang ở đâu rồi. Anh không đứng ở trong toa này… Anh là người đang ngồi ở buồng điều khiển đầu máy kéo. Hôm nay anh lái tàu. Một chuyến tàu thật nhanh đến Ấn Độ để nghe… TIẾNG THỞ DÀI QUA RỪNG KIM TƯỚC.
Tàu vẫn chạy xình xịch, xình xịch. Toa tàu không đông lắm nhưng cũng không vắng lặng như tờ. Tôi tiếng lại gần một người thanh niên Ấn Độ để trò chuyện.
–Xin chào.
–Chào. Tôi là Navin.
–Sao cậu cứ ôm khư khư cái ba-lô thế kia. Trong này có gì quý giá hay sao? Sao không để xuống dưới đất, nhường thêm chỗ cho người khác.
–Trong ba-lô này là… mẹ tôi. Mẹ tôi và tôi là người thân duy nhất trên cõi đời này, tôi ở đâu thì mẹ tôi ở đó…
Hoảng quá, tôi vội dời chỗ ngồi lên trên một băng ghế nữa. Đó là một người phụ nữ u sầu luôn che kín mặt…
–Xin chào.
–Chào. Tôi là Nilam. Tôi từng có một mối tình rất đẹp với một thanh niên trẻ tên là Ravi khi lên thành phố học. Chúng tôi đã được đi xem phim Âu-Mỹ cùng nhau. Tôi đã phạm hai điều răn.
–Phạm tội?
–Con gái quê ở Ấn Độ không được phép có bạn trai trước khi lấy chồng; và càng không được đi cùng bạn trai đến nơi công cộng. Con gái quê ở Ấn Độ lại càng không được đi xem phim Âu-Mỹ có nhiều pha trần trụi ghê người.
–Vậy hai người thường xuyên đi xem phim Âu-Mỹ trong lúc quen nhau?
–Không. Chúng tôi đi dạo trong khu vườn Kim Tước rập rạp như rừng. Những chùm hoa kim tước rủ xuống như những chùm nho vàng tươi trong suoe61t, cả một vườn kim tước bừng sáng xoã ra như mái tóc vàng của người đẹp ngủ trong khu rừng. Ravi đột ngột ghé sát lại, má áp vào má tôi…
–Vậy là hai vị đã kết hôn cùng nhau.
–Không! Cha mẹ tôi đã dành dụm từ lâu đủ 60.000 rupi (khoảng 867 đô-la Mỹ) để làm của hồi môn cho tôi bởi đó là số tiền nhà trai thách cưới.
–Phải trả tiền thách cưới cho nhà trai?
–Đúng. Gia đình tôi đã bòn vét đến hạt lúa mì cuối cùng để lo cho đủ, chậm một bước thì sẽ không còn cái giá 60.000 rupi đó nữa.
–Vậy là cô lấy chồng, không phải là Ravi.
–Đúng. Mà là Raja. Nhưng sau ba ngày làm lễ cưới thì hắn nhậu nhẹt rượu chè be bét, hắn không thể leo lên được lưng ngựa nên nhà tôi không cho rằng hắn đủ tư cách làm chú rể. Thế nên…
–Thế nên… cô quay lại thành phố và cưới Ravi.
–Không. Huỷ bỏ đám cưới như lời nhà gái thì còn gì danh dự của nhà trai. Phía nhà trai họ sãn sàng giảm giá, chỉ nhận 55.000 rupi thôi.
–Nhà cô đã chịu?
–Không. Nhà tôi không chịu và nhà trai ngỏ ý muốn cưới tôi như một cách đền bù thiệt hại, cho Amar. Hắn là em con chú của Raja.
–Vậy là ở Ấn Độ nếu sinh con gái thì phải chuẩn bị tiền để cưới chồng?
–Đúng! Nhà tôi sau đám cưới còn nợ nhà Amar 10.000 rupi. Tôi đã có bầu và sinh một đứa… con gái. Và sau đó lại là… đứa con gái nữa. Mẹ chồng tôi bắt đầu gầm ghè vì chúng tôi trở thành quân ăn tàn phá hoại trong nhà của bà… Và bà đã châm lửa… đối tôi đến dị dạng khuôn mặt sau mấy cuộc đấu khẩu…
Nói rồi, cô mở khăn ra, tôi không biết mình đang nói chuyện với ai, một con người đang bị tàn phá nhan sắc hay chỉ là một chuỗi những âm thanh đang vọng từ một cõi nào đó…
Tôi bần thần, đứng lên thì gặp một cháu bé gái.
-Xin chào.
Con bé tên là Kamla. Cô bé nói với tôi: “Cháu mới 13 tuổi nhưng ba mẹ cháu đã bán cháu cho ông Sayid. Bác sý nói cháu mới đi có mấy ngày với lão mà đã có triệu chứng mắc bệnh phụ khoa”.
Tôi trợn mắt: “Cháu có báo cảnh sát hay kiện lão Sayid đấy không?”
Có. Cô bé trả lời. Tôi cười: Cuối cùng cháu đã có tự do về với cha mẹ đúng không?
Không. Khi ra toà cháu đã nói: Tự cháu muốn lấy ông ấy.
Tại sao? Tôi to tiếng.
Cô bé nhìn xuống mặt đất, lí nhí: Bố mẹ cháu bảo em út của cháu mới chết vì ốm đói không có thuốc. Bố mẹ cháu bị xử tù thì những em khác chết nốt. Bố mẹ cháu cũng chết nốt. Cháu phải nói vậy bố mẹ cháu mới không bị đi tù. Về lại nhà lần này, cháu đã xin được việc.
Xin việc ở tuổi 13 ư? Cháu sẽ đào đất đóng gạch cho xưởng gạch của ông chủ Reddy. Chỉ có vậy mới giúp cả nhà cháu không chết đó.
Tôi lặng người đi mất. Tôi không biết nói gì sau khi xoa đầu tạm biệt cô bé Kamla khốn khổ kia. Rồi tôi ngồi xuống một băng ghế, ngó qua phía cửa sổ, dưới ánh nắng, lại là một cô bé khác.
–Xin chào!
–Quỳ lạy ta đi. Ta là Nữ Thần Đồng Trinh.
–Không, tôi cười rồi thổ lộ. Tôi đạo Phật. Tôi kính trọng tôn giáo khác nhưng không lạy.
Cô bé thở phào rồi co ro người lại, lí nhí: Nói vậy thôi chứ cháu cũng không còn là Nữ Thần Đồng Trinh nữa. Anh cháu biết được chuyện này đã đuổi cháu đi, vì sự mang nhục với hàng xóm…
–Hãy kể chuyện của cháu đi.
–Họ bỏ tụi cháu vô môt cái phòng lúc nửa đêm, chỉ có leo lét một ngọn nến. Nơi đó rất ẩm thấp và ngột ngạt. Từng đứa một trong phòng. Rồi cháu phát hiện ra có một cái đầu trâu máu be bê bết, cặp mắt thô lố… khiến mấy đứa kia khó ré lên. Cháu leo lên ngồi như chơi ngựa gỗ.
–Rồi sao nữa?
–Họ lại đẩy mấy đứa không sợ vào một căn phòng khác, đầy bụi và muốn tụi cháu chọn lấy một bộ váy áo đẹp nhất. Cháu chọn áo choàng phủ bụi và họ la lên: Đã tìm được Nữ Thần Đồng Trinh.
–Tại sao?
–Vì chiếc áo đó là của nữ thần Daneju, kiếp trước của các Nữ Thần Đồng Trinh.
–Vậy tại sao cháu không còn được ở trong điện nữa?
–Chú không thấy họ ghi gì trên tờ Thời báo sao? Một tiêu đề lớn: Nữ thần Đồng Trinh có kinh nghiệt–Sự chấm dứt một giai đoạn thần quyền.
Cháu bị truất phế, là nỗi ô nhục, dơ bản và họ nhường sự trong sáng cho một em bé khác… Cháu trở thành một phế vật trong mắt người thân và cả xã hội…
Tôi nghe đến đây lòng cảm thấy khó chịu quá. Trên toa tàu còn rất nhiều hành khách, cả nam, cả nữ và ai cũng có tâm sự riêng. Nhưng tôi lại muốn nói chuyện với người lái tàu hơn. Tôi gõ cửa buồng lái.
–Nhà văn Hồ Anh Thái. Em muốn nói chuyện với anh, mặt đối mặt. Em muốn hiểu rõ hơn, nhiều hơn về đất nước Ấn Độ, một nơi vẫn còn quá nhiều bí ẩn của con người và tôn giáo…
Tôi không nghe bất kỳ tiếng động nào từ chiếc ổ khoá. Tôi chỉ nghe tiếng nhà văn vọng ra lanh lảnh: Cậu đi xuống toa nghe hết từng người một kể chuyện đi. Cậu không cần nói chuyện với tôi. Họ sẽ dạy cậu hiểu nhiều hơn về Ấn Độ, đặc biệt là thân phận của những người phụ nữ. Đừng thở dài vì chuyến tàu của chúng ta sắp đi qua… RỪNG KIM TƯỚC.
Chợt giật mình dậy. Tiếng tàu, mùi khói và cả những gương mặt người như hiện ra trước mặt. Đoàn tàu đó đã được Hồ Anh Thái khởi hành khoảng 1994–1995. Không biết hơn hai mươi năm sau, những thân phận người và những câu chuyện về phụ nữ có thay đổi gì không? Có thể có nhưng không nhiều vì có người từng bảo rằng, Ân Độ hấp dẫn vì đó là viện bảo tàng tự nhiên và căn bản bậc nhất của xã hội loài người hiện đại.
J.N
Arizona, Hoa Kỳ, April 7th, 2019.