Viết Ngắn

Parasite (2019) – Ký Sinh Trùng: Khi Nghèo Tạo Nên Cái Tội

Tài năng của đạo diễn Bong Joon-Ho đã được công nhận trên toàn thế giới với những bộ phim mang nhiều triết lý và vượt qua những sáng tạo điện ảnh căn bản, thông thường. Mùa hè năm nay, vị đạo diễn người Hàn Quốc này đã giới thiệu tác phẩm mới nhất mang tên Parasite–Ký Sinh Trùng. Có lẽ, mọi người ở Việt Nam, hầu như đã xem, đã bình luận và cũng đã trầm trồ khen ngợi nội dung của bộ phim. Thuật ẩn dụ–metaphor–đã được chính Bong Joon-Ho và đồng biên kịch Kim Dae-Hwan sử dụng để miêu tả hành trình ký sinh của các thành viên một gia đình nghèo-mạt-rệp họ Kim với vật-chủ-giàu-phủ-phê họ Park; không có một con vật bí ẩn nào từ hành tinh bên ngoài xâm chiếm trái đất và ăn dần, ăn mòn, các vật chủ là các cá thể người và tạo nên những cái chết ly kỳ bí ẩn nào cả. Tất cả chỉ là câu chuyện giữa người-và-người, giữa giàu-và-nghèo, nhưng lại hấp dẫn, ngạc nhiên và thú vị đến lạ thường ở Hàn Quốc.

Một căn phòng ẩm thấp, bẩn thỉu, nằm thấp hơn mặt đường, trong một khu vực sầm uất nhưng cũng đầy bát nháo. Bốn thành viên căn bản của một gia đình: cha-mẹ-con gái-con trai cùng sống chung trong căn phòng đó. Họ nghèo, họ gấp hộp giấy đựng pizza để sống và họ thường xuyên chứng kiến kẻ say xỉn phóng uế bậy trước mặt họ (mà thật ra là trụ điện cắm thẳng xuống mặt đường). Họ cùng nhau chui vào buồng vệ sinh nhỏ xíu và vàng khè để bắt được vài vạch internet miễn phí được phát ra từ một tiệm cà-phê gần đó. Chẳng biết tại sao họ lại nghèo! Chẳng hiểu tại sao họ lại thất nghiệp! Nhưng hoàn cảnh sống của họ có thể tìm thấy ở khắp nơi, ở bất kỳ quốc gia nào. Họ sống ở tầng Hạ, thấp hơn mặt bằng chung của xã hội mà đôi khi chúng ta bắt gặp và cũng không biết lý do tại sao họ lại như thế.

Một thủ pháp ẩn dụ tinh tế và xuất sắc của đạo diễn Bong. Tại sao không phải là một hộ nghèo nào đó ở gần bãi rác, ở trong một nghĩa địa, một khu nông thôn nghèo và xa thành thị mà chúng ta thường thấy trên màn ảnh? Tại sao phải là một hộ nghèo sống dưới một tầng hầm?

Bộ phận casting đã rất sáng suốt trong việc chọn lựa diễn viên cho bộ phim. Đặc biệt, bốn thành viên của gia đình tầng Hạ, họ Kim, diễn xuất quá chân thật. Họ chính là 4 con ký sinh trùng trong hành trình tìm thoát cái nghèo “khốn kiếp”; mà một khi đã tìm được “vật chủ” thích hợp thì không dễ dàng gì buông tha. Cái nghèo trong phim, ở Hàn Quốc, hoàn toàn không khác với cái nghèo ở bất kỳ nơi đâu, cả Việt Nam chúng ta. Bởi vì bản chất con người luôn giống nhau và cái nghèo ở đâu cũng đáng sợ như nhau. Chúng ta thử đặt trường hợp chính mình vào gia đình họ Kim ở tầng đáy của xã hội thử xem. Nếu bạn là chàng trai Kim Ki-Woo, bạn may mắn được giới thiệu làm gia sư cho một gia đình tài phiệt, bạn có hết sức giữ lấy cơ hội này để đổi đời với cơ hội này không? Và sau khi bạn yên phận, bạn có dám chắc là sẽ không giới thiệu anh-chị-em, họ hàng bà con đến làm những công việc còn lại trong gia đình kia không?

Nhìn vào tấm hình ở trên với những gương mặt dễ thương, bạn có nghĩ rằng cái nghèo đó sẽ kích thích họ lập nên một kế hoạch để cướp công việc của những con người lương thiện khác; hay sẽ sẵn sàng cầm dao đâm chết một con người khi người ta khinh bỉ cái mùi nghèo, cái mùi hôi, cái mùi hạ đẳng của gia đình mình; hay sẵn sàng đẩy một người quản gia lâu năm ra khỏi căn nhà và tạo nên những xáo trộn đáng kể trong cuộc sống thường nhật của những con người khác? Mạch phim nhanh, được biên tập khéo léo, kịp lôi kéo sự tò mò của khán giả ngồi trước màn ảnh để chờ xem họ sẽ làm gì tiếp theo một cách hồi hộp, đầy phấn khích. Cái nghèo, cái tham lam và tính bầy đàn chính là 3 yếu tố chân thật mà đạo diễn đã đem vào phim, nằm hết ở bốn nhân vật sống nghèo đói dưới tầng hầm của một xã hội đã phát triển như vũ bão ngoài kia.

Một căn nhà được xây dựng bởi một kiến trúc sư nổi tiếng, nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bọc bởi những mảng cây xanh được tỉa tót đẹp mắt và hoàn toàn biệt lập so với bên ngoài. Không gian này hoàn toàn đối lập với tầng hầm nhỏ, tối và ẩm thấp ở đầu bộ phim. Người nghèo, họ có cái nỗi niềm của họ thì người cũng vậy. Về bản chất, con người đều như nhau. Người giàu ở căn nhà trên dốc cao, biệt lập và sang trọng kia cũng có những nỗi ám ánh riêng.

Bà Park, một người phụ nữ quá chu toàn và ít có lòng tin với những người xung quanh. Bà Park đại diện cho những người giàu hay đa nghi, cầu toàn và kiểu cách hóa trong mọi lĩnh vực thường ngày của đời sống. Bà cho sa thải người quản gia lâu năm vì bỗng một ngày phát hiện ra người này bị bệnh ho lao, vội vàng tin lấy mà không cho một cơ hội nào để làm sáng tỏ đó chỉ là một căn bệnh dị ứng lông của trái đào. Bà lo lắng quá đỗi cho cô con gái đang độ tuổi vị thành niên, và cũng đặt nhiều niềm tin hy vọng cho cậu con trai út của mình.

Tưởng như cô con gái của nhà họ Kim cởi quần lót, nhét vào trong ghế phía sau xe hơi để dụ ông Park–như cách cậu em trai của mình cưa cẩm cô con gái của ông Park–thì đạo diễn đã “cứng tay” hơn suy nghĩ thông thường. Chiếc quần lót được cởi ra từ một gương mặt thanh tú, đang mặc bộ đồ vest văn phòng lịch lãm, lại là vật chứng để kết tội và khiến tay tài xế của ông Park bị sa thải. Chiếc quần lót của cô Kim được ông Park bỏ vào bao thư, đưa cho vợ một cách rất lịch sự: “Chuyện là vậy đó, giải quyết đi. Tại sao phải làm tình ở băng ghế phía sau của tôi!”

Đạo diễn Bong đã miêu tả rất độc đáo của tầng lớp chân dung giàu và trí thức rằng họ luôn kén chọn trong cách hành xử và gout của mình. Cảnh quan hệ tình dục, gần cuối phim, trong cơn hứng khởi, ông Park đưa tay sờ ngực vợ trên ghế sofa, bà Park đưa tay vào quần ông Park và tay còn lại ông Park xoa đều bộ phận sinh dục của vợ. Người giàu có nhiều cơ hội để thoả mãn dục vọng ở bên ngoài, với nhiều cô gái trẻ đẹp hơn nhưng ông Park dành sự hứng tình đó cho người vợ, trong căn nhà sạch sẽ của mình, thay vì một khách sạn nào đó, dù cậu con trai út đang chơi trong túp lều ở bãi cỏ ngoài sân.

Cậu con trai Út trong gia đình ông Park, với tâm hồn nghệ sỹ nhạy cảm, với cái lỗ mũi thính đến mức có thể phát hiện ra: “Mấy người này mùi y chang như nhau bố à!” cũng đóng một vai trò rất hay trong bộ phim. Mùi gì? Mùi của cục xà phòng tắm chung, mùi của mùi nước xả vải giặt chung đồ của tất cả các thành viên trong gia đình, mùi ẩm thấp của căn phòng, mùi gió bụi… Mùi của cái Nghèo mà cậu ta may mắn, từ khi được sinh ra, chưa bao giờ phải ngửi.

Và sau khi cậu ta ngửi, phát hiện ra những điều lạ trong không gian sống của mình, cậu, giống như cách người da đỏ–native Americans–ở Mỹ đã chọn, thu mình lại trong một không gian chật hơn: túp lều của mình ngoài bãi cỏ trong vườn nhà cùng với cây đèn pin chiếu sáng. Quá thú vị phải không? Thuật ẩn dụ được sử dụng rộng khắp ở hầu hết mạch phim, để ta thấy rằng, con người, ai cũng cần một không gian riêng an toàn tuyệt đối cho bản thân của mình, dù là giàu có hay nghèo hèn, dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Khi con mồi tìm được vật chủ, nó sẽ tìm cách hút máu cạn kiệt vì đã bị bỏ đói lâu ngày.  Con đĩa dưới đồng ruộng là một ví dụ điển hình.

Một con chuột tìm được mồi ngon, lập tức sẽ kéo bầy đàn đến thanh lý đóng thức ăn ấy ngay lập tức. Có những người đã bị chuột cắn, rất đau và để lại sẹo. Có những người thấy chuột là đá đi hoặc hoảng loạn bỏ chạy khi nhìn thấy, như chuột cống chẳng hạn.

Thuốc sổ giun lãi luôn cần thiết để loại bỏ những thứ dài sọc, lúc nhúc, đang hút hết dinh dưỡng trong cơ thể làm ta còi cọc mãi, không tăng cân được.

Cái nghèo luôn đáng sợ, nó sống ký sinh trong tâm trí của con người, phá huỷ lòng tự trọng, danh dự và những ước mơ căn bản; nó đẩy lên sự sân si và lòng tham không đáy của con người.

Cái giàu cũng đáng sợ, nó sống ký sinh trong nỗi lo âu mỗi ngày của người giàu có. Nó làm cho người giàu luôn bất an về khối gia sản của mình, về sự thật thà của những người xung quanh và cài cắm sự nghi hoặc khắp nơi.

Hãy thử nhìn lại Sau khi xem bộ phim này, chúng ta đang bị những “thứ” nào ký sinh? Chúng ta có bao giờ ký sinh vào một điều gì hay một vật chủ nào đó chưa?

J.N