Viết Ngắn

Joker (2019): Khi Đời Ta Chẳng Còn Gì Để Mất

Update ngày 5 tháng 1 năm 2020: Joaquin Phoenix đã đoạt giải thưởng Quả Cầu Vàng lần thứ 77 cho vai diễn quá đỉnh cao trong bộ phim này.

Nhiều người cho rằng Joker (2019) là một bộ phim có quá nhiều sự u tối trong kịch bản; hoặc là một bộ phim khắc hoạ chân dung một ác nhân nổi tiếng của vũ trụ điện ảnh DC Comics mà Hollywood không nên làm. Bởi lẽ con người thường hướng thiện, hay tập trung sự chú ý vào những điều tốt đẹp, lẽ phải hoặc những quy chuẩn trong một xã hội cụ thể nào đó (the norms of the society). Liệu rằng những suy nghĩ thật “tà”, thật ác và thật “thú” đang nấp đâu đó trong tận tâm tưởng sẽ “được” kích thích và trỗi dậy sau khi Joker oanh tạc phòng vé Bắc Mỹ? Tham khảo ý kiến của một vài người đã xem ở Việt Nam, lúc nào cũng chia làm hai phe rất rõ rệt (dichotomous variables): dở như hạch và siêu phẩm; trắng và đen; tuyệt nhiên không có sắc xám ở giữa. Có nhận định của một người làm nghệ thuật chuẩn ở Việt Nam, xin được phép giấu tên, rằng: “Các tay bình luận phim ở Mỹ phải cố tình chê bai bộ phim để xã hội Mỹ không thể kích động và xáo trộn lên được. Tuy nhiên, diễn xuất chính của Joaquin Phoenix thật không thể bài cãi-Tuyệt đỉnh và Oscar là chắc!”. Thôi thì cứ thử không nhìn bằng lăng kính của người khác một vài lần, để xem Joker 2019 sẽ mang lại một màu sắc gì.

Suất chiều thứ 6 ở cụm rạp Harkins Theatres tại thành phố Tempe, tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ, không quá đông khán giả, khoảng 20 người chọn Joker để giải trí cuối tuần, nhưng tuyệt nhiên không có ai bỏ về nửa chừng. Một gã đàn ông trung niên gầy tong Arthur Flecks bị đám trẻ trâu đập một trận cho nhừ tử, và nằm bẹp trong một con hẻm lầy lội. JOKER hiện ra giữa màn hình, tựa đề bộ phim màu vàng, màu của ánh kim, của huy hoàng, font chữ thẳng đứng, mập mạp hiện ra và giành hết khung hình…

ĐÁY XÃ HỘI:

Bất kỳ một xã hội nào cũng được phân chia (ngầm hoặc tự nhiên) thành nhiều tầng lớp khác nhau, và không một ai muốn bị ở dưới tầng đáy, hoặc là anh không phấn đấu vượt lên chính mình; hoặc là số phận của anh đã bị an bài như vậy. Có sống ở Mỹ một thời gian dài, ở những tiểu bang không quá giàu có, và ở những thành phố như Tempe, cái tầng xã hội sẽ được hiện ra rất rõ rệt, và dễ nhận thấy. Chỉ cần bước lên tàu điện, hay những tuyến xe buýt màu xanh lá cây, sẽ thấy “Một cô gái còn quá trẻ mà ngồi cười một mình, nói một mình, rồi thỉnh thoảng liếc nhìn người khác, không bao giờ xuống trạm”; “Một cô Mỹ đen thân hình đồ sộ nhưng gương mặt còn quá trẻ, hai tay dắt hai đứa con nhỏ và chân thì đẩy trollerra phía trước, bên trong chiếc xe đó là một em bé sơ sinh vài tháng tuổi. Vất vả quá. Chồng cô đâu? Đi tù!”; “Một người đàn ông quấn chiếc chăn lông thú quanh người trong cái mùa hè hanh khô ở Arizona và bốc mùi nồng nặc…”; “Một tay thích hoá trang thành Batman, luôn muốn đi cùng security của trạm tàu điện để thể hiện sức ảnh hưởng của mình với hành khác. Chỉ ngồi, không nói, không cười và đi xuống” Đủ trò đủ kiểu và đủ thể loại. Gì cũng có.

Joker cũng là một thành phần thuộc về cái tầng đáy đó. Không ngoại hình, không sức khoẻ, rối loạn thần kinh, không sự nghiệp, không tiền bạc, sống cùng với người mẹ già và nói chung bao nhiêu thứ không đầy bất hạnh kia gom hết vào Arthur Flecks–người đàn ông phải mang họ của mẹ.

I HOPE MY DEATH MAKES MORE CENTS THAN MY LIFE

“Tôi hy vọng cái chết của tôi sẽ đáng giá vài xu, hơn là cuộc đời của tôi” Những dòng chữ được viết và bôi đậm bằng tay trái hiện lên nhiều lần trong phim. Vậy thì cái cuộc đời của tôi-Arthur Flecks lại không có giá trị xu nào ư? Chứng PLC (Pathological Laughter and Crying–Khóc Cười Rối Loạn Phi Lý Khi Thần Kinh Bị Kích Thích) khiến cho Arthur trở nên quá dị hợm, đáng sợ trong con mắt của người đối diện. Đáng sợ tới nỗi, Arthur phải giữ khư khư bên người một mẩu giấy nhỏ như tờ danh thiếp để đưa cho người đối diện để họ không quá ngạc nhiên về mình.

Người đàn ông bị bệnh lý kia đang tiếp thị sản phẩm với biển hiệu trên phố bị đám trẻ cướp mất, anh ta đuổi theo hụt hơi, bị chúng đánh cho nhừ tử, đập nát cái biển hiệu kia, xém mất việc. Rồi một thằng đồng nghiệp “tốt” đưa cho một cái bao có súng và đạn thật, nhồi vào đầu chuyện phải bảo vệ mình, một bà mẹ đơn thân trong thang máy kích thích chuyện tự kết liễu đời mình (hoặc cũng có thể là ảo giác), rồi mất việc vì “mang súng đến bệnh viện nhi đồng làm gì khi nhiệm vụ chính là nhảy múa và hát hò cùng các cháu bệnh nhi?”, và khởi điểm những phát súng đầu tiên vào ba người đàn ông lịch lãm trên tàu điện ngầm đã kích thích tâm lý “tà đạo” của hắn ta.

Đúng là một cuộc đời của những chuỗi ngày quá đen, đen như mực, đen không thể thấy nỗi ánh sáng lấp lánh nào được phát ra từ những đồng xu.

TÂM LÝ TỘI PHẠM MÀ CẢ THẾ GIỚI ĐANG PHẢI…HỌC

“Con người ai sinh ra cũng bình đẳng”. Đó là một câu nói rất lý thuyết quá. Tất nhiên, các em bé được sinh ra, không phân biệt giới tính, thì ai cũng bình đẳng như nhau nhưng sau giai đoạn “chào đời” thì giai đoạn “tiếp xúc” môi trường sống ban đầu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đế não bộ. Một em bé sinh ra trong một bộ tộc ở Châu Phi, một em bé sinh ra trên thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn, một em bé sinh ra tại thành phố Sài Gòn, một em bé sinh ra tại thành phố Tokyo, một em bé sinh ra tại San Francisco sẽ khác nhau rất nhiên và tuyệt nhiên không có sự bình đẳng trong môi trường nuôi dưỡng, nhận thức, văn hoá, và phong tục tập quán. Khác nhau rất xa và từ đó tạo nên sự đa dạng cho văn minh nhân loại.

Quay trở lại với Arthur Flecks, một người được nhận nhận nuôi và bị hành hạ, đánh đập bởi mẹ nuôi của mình từ nhỏ, dẫn đến chứng PLC mà anh ta vẫn không hề biết. Một con người có cuộc đời bất hạnh không đáng giá một xu đó bỗng một ngày phát hiện ra Thomas Wayne–một tài phiệt nổi tiếng, một nhà hảo tâm của thành phố Gotham–là cha đẻ của mình thì phản xạ tâm lý trở nên như thế nào? Phấn khích tột độ và mong muốn tìm kiếm sự thật, nhìn nhận người cha đẻ của mình. Để rồi cú đấm vô hình từ Thomas đã hạ gục triệt để sự phấn khích đó, buộc Arthur phải hối hả đi tìm sự thật về thân phận của mình. Arthur Flecks không phải là Arthur Wayne; lại càng không phải Arthur Flecks, mà chính xác là Arthur Nothing, hoặc Nothing Nothing. Thôi thì Joker vậy bởi “Tôi tưởng cuộc đời tôi là những chuỗi ngày dài của bi kịch nhưng bây giờ tôi phát hiện ra đó không phải là bi kịch, mà là hài kịch.” Đó là ego’s defences trong tâm lý học tội phạm và từ ego đã tiến hoá thành superego, kết hợp cùng nhau và tạo điều kiện thuận lợi để dẫn đến những hành động không thể ngờ trong phim.

JOKER HAY SA-TĂNG?

Một câu phản biện đầy uất hận mà Arthur nay đã chọn làm The Joker phát biểu khi lên hình talkshow nổi tiếng của Murry Franklin: “Các người tiếc thương cho 3 thằng lịch lãm áo vest đó bị bắn chết trên tàu điện ngầm à? Vậy nếu người bị bắn chết là tôi, các người có khi còn giẫm lên đó mà mặc nhiên bỏ đi!”

Đó là một sự thật phũ phàng của tầng xã hội. Người ta khóc thương một chú chó trung thành với chủ, một con cún xinh xắn khi qua đời; tuyệt nhiên không ai khóc thương một con chuột chết cả, có khi nó vô tình bị xe cán quá nhưng cũng không ai muốn để ý tới. Tự nhiên hiển nhiên là vậy!

Nhưng Joker trong phim không phải chuột, mà là một thành viên của tầng đáy xã hội ,nay trở thành một tên tội phạm với hai cái tôiego và superego khuynh đảo thành phố Gotham, truyền cảm hứng cho những thành phần bất hảo (với xã hội, với số phận, với nhiều thứ mà chúng ta không thể biết và kiểm soát được) đang đập phá ngoài kia. Họ khiêng Joker ra khỏi xe cảnh xác, đặt anh ta xuống, rồi tung hô như một tay thủ lĩnh mới của thế lực hắc ám.

Chính xác Joker là một truyền nhân của quỉ Sa-tăng, không thể khác đi được. Trong cuốn Paradise Lost của John Milton, Sa-tăng đã từng nói: “Better to reign in Hell, than to serve in Heaven.”- “Thà làm vua bóng tối còn hơn phục dịch trên thiên đường”. Khi mà thiên đường không thể rộng mở cho một số phận quá bất hạnh như Arthur “Nothing” thì có lẽ Joker lại là một sự lựa chọn để sống hoặc tự kết liễu bởi vì đời anh ta chẳng còn gì để mất.

Diễn xuất quá đỉnh cao của Joaquin Phoenix; màu phim tuyệt mĩ; và aự kết nối về cái chết của cha và mẹ Bruce Wayne, những hạt châu từ chuỗi ngọc của mẹ rớt xuống khi bị bắn của mẹ đã liên kết tài tình với mạch phim của Batman vs. Superman: Dawn of Justice của 3 năm trước. Đó là những điểm cộng xứng đáng ngoài nội dung phim đã được phân tích trên.

Tempe, Arizona,

Thứ 6 ngày 18 tháng 10 năm 2019.

J.N