Viết Ngắn

Ta học được gì từ ý chí và nghị lực của bác sỹ Huỳnh Wynn Trần

Sau khi đọc xong cuốn sách “tự truyện” của bác sỹ Huỳnh Wynn Trần, được phát hành trong nước bởi nhà xuất bản Thế giới (2019, giá 149.000 đồng), điều thắc mắc bấy lâu được giải đáp: Tại sao đi khám bác sỹ ở Mỹ phải chờ đợi quá lâu? Là bởi vì họ xứng đáng để chúng ta chờ đợi và được thăm khám.

Người Việt chúng ta hay truyền miệng nhau: “Trời ơi! Người ta học hết cơm hết gạo”. Chính xác là như vậy. Có đọc cuốn sách của bác sỹ Wynn (đơn giản là muốn gọi như vậy) mới thấy hết hành trình nhọc nhằn để vươn lên trở thành một bác sỹ thành công ở Mỹ là như thế nào, với tư thế của một người nhập cư “đến muộn”. “Muộn” là vì bác sỹ Wynn đến Mỹ năm 1999-2000, không phải người tỵ nạn hay thuyền nhân sau năm 1975 như những người Việt Nam nhập cư thế hệ “f1” khác. Khi đã có người Việt Nam sinh sống rải rác khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ thì những khó khăn của một thế hệ nhập cư khác cũng sẽ mang một “hương vị” khác. Đọc sách của bác sỹ Wynn, tinh thần của anh khi đến Mỹ chỉ có hai chữ: “vươn lên”.

Bỏ qua những ký ức một thời của một sinh viên trường kiến thúc, hay thời học ban Toán của trường chuyên tỉnh Bạc Liêu. Xuất phát điểm mới của bác sỹ Wynn chính là thành phố Grand Rapids, tiểu bang Michigan, nơi cả gia đình anh định cư.

“Buổi sáng đầu tiên tại Mỹ, tôi phải dụi mắt vài lần để chắc là mình không mơ vì quang cảnh xung quanh quá xa lạ. Tôi vẫn chưa tin mình đang ỏ nước Mỹ. Tôi lại càng không tin là mình đang ở bệnh viện cho đến khi nhìn thấy ba tôi đang nằm kia, xung quanh là một đống dây nhợ truyền nước biển, với tiếng bíp bíp đều đều đo nhịp tim thở. Ngoài cửa kính, nước Mỹ yên bình xa xa với rừng phong xanh đang từ từ chuyển sang vàng cam, thấp thoáng bên dưới mái nhà với ống khói kiểu Hà Lan” – Chương 4, trang 38

Nước-Mỹ-lần-đầu-tiên của ai cũng như vậy. Đều là những ký ức thật khó quên. Và sau những khoảnh khắc đó, ai cũng phải đối diện với: tiếng Anh/tiếng Mỹ/American English. Bác sỹ Wynn cũng vậy; anh đã “mang giày và bắt đầu chạy”.

“Tiếng Anh là một vấn đề khó nhất khi tôi qua Mỹ… Tôi sớm nhận ra muốn thành công tại Mỹ, đầu tiên tôi phải giỏi tiếng Anh”

Muốn giỏi tiếng Anh, phải đi học. Không phải học TOEFL hay IELTS hay Oxford hay Cambridge mà là ESL-English as a Second Language rất phổ biến tại các trường Cao đẳng cộng đồng ở Mỹ. Và sau đây là hành trình trở thành bác sỹ nổi tiếng của bác sỹ Wynn được tóm gọn ở phần phụ lục cuối sách.

Học cao đẳng cộng đồng Muskegon –> Được nhận vào học ở một trong những trường đại học công lập tốt nhất của Hoa Kỳ là trường University of Michigan, main campus ở thành phố Ann Arbor. —> Làm kiến trúc sư tại công ty kiến trúc AMDG, Grand Rapids, Michigan –> Theo đuổi y khoa tại đại học Grand Valley State University, Michigan –> … và còn rất nhiều thông tin đằng sau những mũi tên này để thấy rằng việc trở thành bác sỹ thực thụ ở Hoa Kỳ, người có thể ngồi trước máy quay để tư vấn qua kênh Youtube đã phải “tổn lực” như thế nào.

Không ai sinh sống và làm việc ở tiểu bang Michigan mà không ai ước mình/con cái/người thân được Go Blue-màu xanh chủ đạo của sinh viên trường UfM-University of Michigan, đặc biệt là campus ở thành phố Ann Arbor. Đây là một trường public university tốt nhất nước Mỹ, đứng trên cả UCLA – University of California, campus Los Angeles. UfM, Ann Arbor danh giá đến độ được xếp chung hàng trong top 10 các trường đại học nổi tiếng nhất thế giới, cùng với các private institute/Ivy League mà ai cũng biết. Thế nên, từ sinh viên của trường cao đẳng cộng đồng Muskegon, bác sỹ tương lai Wynn Trần đã vượt qua những học sinh/sinh viên bản địa để có được một suất “Go Blue”. Đó là một điều đáng để tự hào.

Bác sỹ Wynn cũng bật mí một vấn đề mà có thể chúng ta không thể biết được. Các loại bằng kiến trúc lẫn kinh nghiệm thực tế thì mới có thể đi làm và sau đó phải thi lấy bằng nghề ở Mỹ:

  • Bachelor of Architecture – Cử nhân kiến trúc (5 năm).
  • Cử nhân Khoa học Tự nhiên/Cử nhân Khoa học Xã hội trong Kiến trúc (Bachelor of Science/Bachelor of Arts in Architecture) (4-5 năm)

Hạng mục này cần phải có 5 năm kinh nghiệm làm việc tại một công ty kiến trúc dưới sự giám sát của một kiến trúc sư đã hành nghề (có giấy phép).

  • Thạc sỹ kiến trúc/ Master of Architecture (6 năm)

Hạng mục này cần phải có 3 năm kinh nghiệm làm việc…

  • Tiến sỹ kiến trúc/Doctor of Architecture (8 năm)

Hạng mục này cần phải có 1 đến 2 năm kinh nghiệm làm việc.

Có nghĩa rằng, ứng cử viên cần phải học và thực tập từ 8 đến 10 năm mới đủ tiêu chuẩn để thi bằng hành nghề (giấy phép làm nghề) kiến trúc.

Riêng bác sỹ Wynn, anh đã chia sẻ trong cuốn sách ở chương 9 rằng anh đã được may mắn nhận vào thực tập lẫn làm việc tại công ty kiến trúc AMDG. Anh làm được 2 năm và cần phải có 3 năm làm tại đây mới đủ giờ để thi bằng/giấy phép hành nghề kiến trúc sư. Mọi việc tưởng chừng như êm ả nhưng bằng đầu óc quan sát và phân tích thị trường nhạy bé, bác sỹ Wynn đã đưa ra một hướng đi khác trong việc chuyển hướng của mình.

”Michigan và Midwest là vùng ít người châu Á, người Mỹ da trắng thường sẽ chọn công ty có người Mỹ thiết kế chứ ít ai chọn công ty thiết kế do người châu Á làm chủ. Xét cho cùng yếu tố văn hoá cao nên khách hàng và kiến trúc sư thường phải có nét tương đồng” (Chương 9, trang 90)

Và bác sỹ Wynn đã giới thiệu tiếp các “level” khác của một ngành nghề còn khó nhằn hơn kiến trúc ở Mỹ. Tất nhiên đó là nghề y. Dài hơi hơn dân kiến trúc, một bác sỹ gia đình thường mất 11 năm học và một bác sỹ chuyên khoa mất 14-17 năm học.

  • 4 năm đại học : Pre-Medical Studies.
  • 4 năm y khoa: Medical School.
  • 3-7 năm làm bác sỹ nội trú (residency)
  • 1-3 năm làm bác sỹ chuyên sâu (fellowship)

Và để đậu vào trường Y sinh học (Pre-medical studies) cũng không phải là điều đơn giản. Bác sỹ Wynn đã quay lại đi học và đi làm thêm như bao sinh viên khác, từ làm nails cho đến phục vụ trong một nhà hàng Trung Hoa, cho đến nghề thông dịch viên/thông ngôn. Cố gắng học, cố gắng mưu sinh, cố gắng tập trung cao độ nhưng để tiếp được nhận vào trường Y, chặng kế tiếp, thảm không hề trải hoa hồng. Được vinh danh tại bệnh viện Holland với công tác thiện nguyện, một lá thư giới thiệu vào trường Y của bác sỹ Snyder, hai lá thư giới thiệu cực tốt của các giáo sư Sinh và Hoá của trường Grand Valley State University, một lá thư từ bác sỹ cấp cứu Gezon của bệnh viện Holland… Nhiều nhưng chưa đủ. Điểm thi MCAT (Medical College Admission Test) trên 75% mới là điều kiện cần thiết để có thể nhận được vào trường Y học.

”Tôi nộp đơn vào 30 trường Y trong nước Mỹ… Nhiều tuần sau đó, tôi nhận thư từ chối 29 trường! Và theo quy định, sau khi sinh viên ra trường thì sẽ phải trả nợ trong vòng 6 tháng”

Nhưng cuối cùng, bằng một sự nỗi lực mà bác sỹ đã bật mí trong cuốn sách của mình, anh đã vào được trường Y. Chúng ta có một bác sỹ người Mỹ gốc Việt đang truyền tải những kiến thức y khoa cần thiết trên Youtube miễn phí cho tất cả mọi người. Nhờ bác sỹ Wynn, hệ thống học thuật y khoa của Mỹ có nhiều đặc thù cũng phần nào được giải thích thêm. Ví dụ:

Bác sỹ quốc tế IMG (International Medical Graduate) khác với bác sỹ tốt nghiệp từ trường Y của nước Mỹ AMG (American Medical Graduate). Bác sỹ AMG dễ được nhận vào các chuyên ngành nội trú, có lương cao hơn và cũng dễ dàng vào các chuyên khoa nghiên cứu sâu (fellowship) so với bác sĩ IMG. Các sinh viên không vào được trực tiếp trường Y ở Hoa Kỳ có thể chọn học các trường Y ở Caribbean. Hai năm đầu được học lý thuyết tương tự Mỹ, thi USMLE Step 1 và sau đó được thực tập hai năm cuối tại các bệnh viện liên kếp trong nước Mỹ.

Quá thú vị và nhiều thông tin đúng không? Hay muốn trở thành nha sỹ ở Mỹ thì cũng trải qua quá trình tương tự. Bác sỹ Wynn cũng cho biết để vào được chương trình Nha khoa (DSS- Doctor of Dental Surgery, hay DMD-Doctor of Dental Medicine), các ứng cử viên thường phải có 4 năm đại học, điểm kỳ thi DAT (Dental Admission Test) cao, làm phỏng vấn giỏi và một hồ sơ đẹp. Cho nên, khi bà con Việt Kiều thường về nước làm răng vì giá thành và quá trình chữa răng ở Mỹ quá đắt tiền thì cũng dễ hiểu. Họ đã “học hết cơm hết gạo”!

Phần nửa sau của cuốn sách là những mẩu chuyện về thực tập ngoại khoa, những khó khăn gian khổ khi phải mổ xác, những đêm không ngủ, những thời khắc “như già đi hai mươi năm của tuổi trẻ”, nộp đơn để trở thành bác sỹ nội trú ở bệnh viện đại học Florida nổi tiếng, và sự chuyển hướng sang học văn bằng Thực hành da liễu tại Cardiff, Anh Quốc. Bác sỹ Wynn sẽ đưa người đọc trải nghiệm hành trình gieo hạt-ươm mầm-nở hoa-kết trái tại mảnh đất Hoa Kỳ. Bằng nghị lực và sự tập trung cao độ, Wynn đã làm ho chọ Trần của người Việt chúng ta có thêm một nhân tài y khoa.

Bởi vì là nhân tài y khoa nên phần viết lách của bác sỹ Wynn trong cuốn sách này không thể xem là xuất sắc. Các phần thông tin được kể lại hơi rối rắm theo mạch chuyện gắn liền với trục thời gian của chính tác giả. Tuy nhiên, đây lại là một quyển sách xứng đáng để trong kệ sách/thư viện nhỏ của mỗi nhà, dù là ở Việt Nam hay khắp nơi trên thế giới. Để thấy rằng, người Việt Nam chúng ta vẫn có thể thành công, nếu cố gắng hết sức mình.

Câu chuyện vượt cơn bão của bác sỹ thật sự đáng nhớ. Chiếc Honda Civic nhỏ bé của bác sỹ Wynn đã vượt qua mùa đông khắc nghiệt ở thành phố Buffalo, New York; băng băng trên xa lộ mịt mù I-95 đầy nguy hiểm của trận bão tuyết lịch sử tháng 12 năm 2010. Có đi dưới trời bão tuyết một lần, mới thấm thía khoảnh khắc đó. Phía trước là một màu trắng đục phủ khắp không gian; hai bên gió rít như ai đó muốn giành giật chiếc xe từ hai phía; sự vô định có thể làm khiếp sợ người lái xe bất kỳ lúc nào nếu không may mắn tìm được Exit vào đường local/dân cư để tránh bão.

Bác sỹ Wynn đã chiến đấu như thế, đã dùng nghị lực để vươn lên như thế. Và anh xứng đáng là một tấm gương cho người Việt Nam khắp nơi noi theo, để làm gì? Cố gắng vượt lên trên số phận.

(Ảnh: Newsweek)