Người đàn bà đứng giữa tên là Lệ Liễu (NSƯT Hữu Châu) thủ vai, còn lại là các cô con gái của bà: Lệ Tú Nhàn (Trịnh Minh Dũng), Lệ Sa Sa (Hải Triều), Lệ Phi Phi (Huỳnh Lập) và Thương (Nam Em). Trong 4 người con gái đứng trong tấm hình này, chỉ có một cô là con ruột của Lệ Liễu, chính là Thương. Thương gọi Lệ Liễu là…cha ruột!
Lạ thật! Tôi đi tìm cha của tôi. Cha của tôi tên là Đực, bỏ mẹ tôi để đi theo gánh hát Lô Tô tên là Phù Hoa khi tôi còn chưa được sinh ra đời. Tôi muốn biết tại sao cha của tôi lai bỏ rơi mẹ con tôi và cha tôi có thương, có nhận tôi là con hay không?
Đó là hành trình của Thương, sứ mạng của Thương trong bộ phim này. Còn hành trình của Đực–hay Lệ Liễu là gì? Chỉ đơn giản là tìm lại chính mình và sau khi đã tìm thấy chính mình thì tiếp tục tìm…về những thứ mà mình đã đánh rơi trên con đường tìm chính mình đó…gần 20 năm trời.
(Nghệ sỹ Hữu Châu trong buổi ra mắt phim tại cụm rạp CGV Pearl Plaza, TP.HCM)
Khi NSƯT Hữu Châu nhận lời đóng vai Lệ Liễu, sự kiện này tạo tiếng vang trong dư luận. Bởi lẽ, tên tuổi của Hữu Châu không còn quá xa lạ với khán giả của chính anh. Nhưng liệu rằng, khi một nghệ sỹ gạo cội của sân khấu quá xuất thần với vai Nguyễn Trãi (trên sân khấu kịch Idecaf), anh có hoá thân được vào vai Lệ Liễu hay không, trong lần đầu tiên thủ vai nữ nhi trên màn ảnh rộng này?
Và Hữu Châu đã làm được, xuất thần trong từng cử chỉ, dáng vẻ, điệu bộ; và quan trọng nhất chính là đôi mắt. Cái nháy mắt nhớ nhung, tiếc nuối quá khứ. Cái ánh mắt tình tứ dành cho người yêu. Cái liếc mắt ghen tuông với tình nhân. Cái ánh mắt chấp nhật thực tế phũ phàng và cái nhìn dành cho người mình đã bội bạc…
Lệ Liễu mang dáng dấp của cố nghệ sỹ nổi tiếng Thanh Nga (cô ruột của Hữu Châu) và nghệ sỹ gạo cội Thanh Lệ (thân mẫu của anh). Đóng vai nữ không không diêm dúa, không quá son phấn mà nhẹ nhàng từ bên trong.
Những con người không-vẹn-toàn, trôi sông lạc chợ để kiếm chén cơm, như Lệ Liễu hay những mảnh đời tương tự trong gánh Lô Tô, họ có quyền được yêu không? Họ có thể đến với người đàn ông bên cạnh mình không? Lệ Liễu, đầu tựa vào vai của Quân và hỏi:
–Quân. Quân có yêu tôi không?
–Tôi chỉ xem mấy người như người thân ruột thịt.
hay:
–Quân, Quân đang ở đâu? Giờ này Quân có nhớ tôi không?
–Tôi đang là cơn gió. Bởi tôi thấy làm người chi cho cực khổ, làm cơn gió muốn bay đi đâu thì đi, chẳng để lại dấu vết gì.
–Vậy tôi đưa tay, vén màn để Quân bay vào ngồi bên cạnh tôi, như những ngày đầu tiên nghe.
–Ừ.
Cái tình của Lệ Liễu và Quân thật lạ lùng, thật quen thuộc, thật đau và thật hẫng.
–Tôi yêu anh. Tôi đã chăm sóc và cứu mạng anh.
–Tôi không yêu bà. Tôi xem bà là ruột thịt. Và tôi sẽ đền lại mạng sống cho bà.
Lô Tô thuộc dòng phim Tình cảm–Tâm lý (Motion Picture–Drama); không phải là phim Hài/Nhạc kịch (Motion Picture–Comedy Musical). Quả Cầu Vàng đã phân loại như thế; nên ta cứ theo chuẩn ấy mà bàn.
Lô Tô cũng không phải là bộ phim điện ảnh dựa trên nền câu chuyện của bộ phim Tài liệu (Documentary) Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.
Thế nên, trong phim Lô Tô không có người phụ nữ nào tên Phụng cả. Chỉ có một người phụ nữ tên Lệ Liễu. Và trước khi trở thành Lệ Liễu, người phụ nữ này là một người con trai, có cái tên rất chân quê: Đực. Bởi vì Đực luôn khao khát thoát xác để trở về với bản chất “phụ nữ” của mình nên gia đình của Đực xếp anh vào loại: bệnh hoạn.
Chính những quy chuẩn mặc định của xã hội đó đã gắn với định mệnh của Đực trở thành Lệ Liễu, người đứng đầu gánh Lô Tô Phù Hoa, kế sinh nhai của rất nhiều thân phận, mảnh đời cùng cảnh ngộ.
Bộ phim mở đầu bằng những thước phim nên thơ và ký ức tuổi thơ dữ dội của nhân vật chính, kết nối đan xen lại với thực tại để Lệ Liễu xuất hiện trong chiếc đầm đính hột lấp lánh trên sân khấu…
Đạo diễn bộ phim người kỹ lưỡng, phân chia tuyến nhân vật rất đồng đều để Lệ Sa Sa, Lệ Phi Phi, Lệ Tú Nhàn vẫn khắc hoạ được tính cách riêng: nóng nảy, tình cảm, tinh nghịch bên cạnh Lệ Liễu trải đời cùng mối quan hệ tình cảm tay ba với Quân và Thương. Ngoài main role và các supporting role, đạo diễn phải đối phó với một dàn cameo nổi tiếng từ Phương Thanh, Trung Dân, Bình Minh, Long Nhật… để họ vừa có đất diễn, vừa không quá mờ nhạt cũng không phải nhiệm vụ dễ dàng trong tính toán và phân chia.
Cinematography cũng làm rất tốt vai trò của mình trong việc lấy các góc máy trên cao, khắc hoạ hình ảnh sông nước Hà Tiên tuyệt đẹp, nên thơ. Ánh sáng được chia rất kỹ, điển hình như ánh sáng đỏ dội lên các con thuyền neo trên bãi tối; ánh sáng màu phát ra từ bên trong chiếc xe Lô Tô Phù Hoa lọt thỏm trong màn đêm tĩnh lặng; hay ánh sáng vàng cho những góc quay thể hiện nội tâm nhân vật. Sound Engineering trộn tiếng dế, tiếng đạp nước, tiếng sóng, tiếng nhạc nền vào thoại hay phân cảnh cũng rất hợp lý.
(Từ trái qua phải: Hải Triều – Trịnh Minh Dũng trên sân khấu Lô Tô Phù Hoa)
Thông điệp của phim rất rõ ràng. Đạo diễn đã “lừa” mọi người một cách khéo léo. Lô Tô chỉ là cái cớ mà thôi. Cái thông điệp của phim chính là những mảnh tình:
–Tình yêu của người con trai dành cho chính mình để khao khát tìm lại chính mình trong thân phận mới.
–Tình yêu của một người con gái dành cho một người con trai không yêu mình và mình đã trót mang một hình hài cho người ấy.
–Tình yêu của con gái dành cho cha.
–Tình yêu của một người đàn-bà-không-tròn-vẹn dành cho một người đàn ông.
–Tình yêu của những con người cùng cảnh ngộ dành cho nhau.
Thế gian này là vậy, điên cuồng vì nhau, vì chữ tình để rồi ôm lấy những giấc mộng vỡ tan, giống như lời bài hát cuối phim:
“Rồi tình gục chết giữa ngàn khơi”
http://www.youtube.com/watch?v=kOOf5TFbnps
Đạo diễn khéo léo đấy chứ. Những trường đoạn về Lô Tô truyền thống trên sân khấu chỉ vang lên như nhạc nền. Bởi lẽ, phim Motion Picture–Dramma nếu đào sâu vào những âm điệu:
Ý nhột, ý nhột. Là con số 1
hay
Tề Thiên Đại Thánh, đại náo Thiên Cung
Bị đứt dây thun, tụt quần chạy trốn
là con số 4
…
Nếu làm không khéo sẽ trở thành Comedy/Musical, một thể loại khác.
Như vậy, khán giả đến xem phim vì hài, vì cười, vì được nghe đọc Lô Tô chứ không phải đến phim để thấy những mảnh tình, những khao khát được yêu thương của những mảnh đời không may mắn. Bởi vì Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng có trên Youtube, bởi vì đạo diễn của phim tài liệu này là Nguyễn Thị Thắm đã dành suốt 3 năm trời theo đoàn Lô Tô của chị Phụng rồi, nên không có gì chân thật và đời bằng bộ phim đó. Còn Lô Tô với Hữu Châu, Minh Dũng, Hải Triều, Huỳnh Lập, Phương Thanh, Trung Dân… là một tác phẩm điện ảnh có thông điệp rõ ràng, tử tế.
Nếu có tiếc nuối, chỉ xin tiếc nuối 1 điểm: Những trường đoạn Quân quan hệ với cô Lài trên tàu cá sau khi say rượu nên ức chế hơn, hoang dại hơn (không có nghĩa trần trục hay tục tĩu), khắc hoạ mạnh tay ý thức tức giận, bực tức trong cơn cuồng ái đó, thì điểm nhấn của bộ phim sẽ rất cao trào.
(Dàn diễn viên trong buổi lẽ cúng khai máy buổi quay đầu tiên tại Hà Tiên xinh đẹp)
Có lẽ, sau sự khẳng định tên tuổi của Hữu Châu, đà phát triển tiếp tục cho Minh Dũng, Huỳnh Lập và Hải Triều trong bộ phim này thì sự trong sáng của Nam Em và cục mịch đậm chất đàn ông của Trịnh Xuân Nhản sẽ được chú ý nhiều hơn.
Nam Em vai Thương
Trịnh Xuân Nhản vai Quân.
Cổng chào đón báo giới và quan khách của Đoàn lô tô Phù Hoa ngày 28–3 tại cụm rạp CGV Pearl Plaza.
Một buổi ra mắt được háo hức, chờ đợi và đông nghẹt người không thua kém các bộ phim Hollywood tại một cụm rạp được đánh giá là khá xa trung tâm thành phố. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng cho những bộ phim điện ảnh Việt chất lượng.
29th March 2017.