(Đạo diễn của COCO Lee Unkrich cùng với nhà sản xuất Darla K. Anderson thông báo sản xuất bộ phim này vào ngày 15–8–2015)
Cuối cùng, bộ phim hoạt hình mới nhất của Disney và Pixar Studio: COCO đã “nổ tung” phòng vé Bắc Mỹ với doanh số 71.2 triệu đô-la Mỹ (tính đến 8:00PM ngày 26–11–2017) và nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ chuyên gia lẫn người xem phim. Hai đạo diễn của bộ phim là: Lee Unkrich và Adriana Molina đã tạo ra một tác phẩm đầy sắc màu, lung linh, huyền ảo, phá cách và cũng rất ý nghĩa cho tất cả mọi người nhân dịp lễ Thanksgiving 2017.
Tất cả khởi nguồn từ văn hoá truyền thống của nước Mexico với ngày lễ Dia de los Muertos (Day of the Dead), ngày lễ cầu nguyện, tưởng niệm đến những người thân quá cố từ ngày 31–10 đến ngày 2–11 hàng năm. Cậu bé 12 tuổi người Mexico tên Miguel (lồng tiếng bởi Anthony Gonzalez) cố gắng sống cháy bỏng, hết mình với niềm đam mê âm nhạc trong một đại gia đình… làm nghề đóng giày truyền thống lâu đời.
Và hai nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện này chính là người phụ nữ lớn tuổi nhất: người mặc áo yếm hồng chính là bà ngoại của Miguel, hay theo cách gọi trong phim là grandmother Mamá Elena và người đang ngồi xe lăn, mái tóc bạc phơ, da đã có nhiều nếp gấp theo năm tháng chính là mẹ của grandmother Mamá Elena, tên là COCO.
Cha của bà COCO được miêu tả ở đầu phim là một vị nhạc sỹ, nhạc công rất nổi tiếng, đã đi theo tiếng gọi của âm nhạc, người mộ điệu, danh vọng hào quang mà bỏ lại một mình mẹ của COCO nuôi con COCO khôn lớn bằng nghề… đánh giày. Kể từ đó, tất cả những thứ thuộc về âm nhạc, nghệ thuật, âm thanh… đều bị loại trừ trong căn nhà chung của đại gia đình. Miguel đã lớn lên trong bối cảnh như vậy và cậu bé, với năng khiếu guitar vượt trội cùng chất giọng được thừa hưởng từ ông cố tổ bên ngoại của mình, phải đi đánh giày trước khi được bước vào xưởng giày để kế thứa sự nghiệp truyền thống.
Hai vị đạo diễn quả thật là những người đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng văn hoá, truyền thống của Mexico để có thể sử dụng những màu sắc trùng khớp với đời thực, mang vào một hơi thở nồng nàn cho bộ phim. Câu chuyện gia đình, bối cảnh của Miguel và bà cố ngoại COCO được khúc chiết bằng nghệ thuật cắt giấy truyền thống, tên là papel picado ngay đầu bộ phim.
Miguel vẫn khao khát được ghi danh tại quảng trường vì câu nói của một vị khách đánh giày: “Nếu sợ sệt để vụt mất cơ hội nắm chặt giấc mơ, cậu cứ tiếp tục đánh giày cho tôi”.
Giấc mơ của Miguel là được sống hết mình với đam mê âm nhạc như thần tượng của cuộc đời… vị ca sỹ đình đám bậc nhất đã qua đời từ rất lâu: Ernesto de la Cruz (Benjamin Bratt lồng tiếng). Nhưng cậu ta biết làm gì khi bà ngoại grandmother Mamá Elena đã đập vỡ cây đàn tự chế trên gác xép của mình và bắt cậu tập trung vào phòng cầu nguyện, chuẩn bị cho ngày lễ Dia de los Muertos quan trọng với cả gia đình, chuẩn bị bước vào xưởng giày để làm việc?
Một sự kiện nhỏ đã diễn ra trong phòng cầu nguyện và Miguel phát hiện ra ông cố tổ bên ngoại, tức là ba của COCO chính là Ernesto de la Cruz. Niềm hân hoan dấy lên và cậu quyết định bằng mọi giá phải chứng minh được tài năng chảy trong người của mình, con nhà tông, không giống lông cũng phải giống cánh.
Cậu ta đã đột nhập vào lăng của Ernesto de la Cruz, mượn tạm cây đàn guitar và khảy lên… Phép màu đã diễn ra.
Miguel đã lạc vào thế giới của những người… đã khuất vào đúng ngày lễ Dia de los Muertos. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng chi tiết này rất tương đồng với bộ phim Spirited Away của Ghibli Studio năm 2001 nhưng bối cảnh, câu chuyện hoàn toàn khác. Miguel và văn hoá Mexico được mang lên màn ảnh rộng, tô vẽ nồng nàn với sắc cam và những màu ấm rực rỡ, văn hoá của Mexico được đến gần hơn với khán giả toàn cầu đẹp đẽ hơn bao giờ hết.
Các hoạ sỹ tài ba của Pixar Studio đã thể hiện sự thông minh tuyệt đối, không thua kém Ghibli Studio trong việc thổi hồn cho bối cảnh, vẽ nên chân dung của các nhân vật trong phim… nhưng vẫn bám rất sát với thực tế của văn hoá, lễ hội và con người Mexico.
(Phác thảo và các nhân vật bởi hoạ sỹ Daniel Arriaga)
Khác với tư tưởng của văn hoá phương Đông, sâu đậm bởi triết lý của đạo Lão, đạo Phật, thế giới cõi âm đôi khi lạnh lẽo hoang vu, thì với văn hoá của Mexico, thế giới cõi âm, cõi của những linh hồn được thổi màu sắc sặc sỡ, giống như một giấc mơ với nhiều tầng, lớp, và những sinh hoạt giống hệt như người còn sống. Đôi mắt của Miguel đã chứng kiến những điều không tưởng, như lạc vào một thế giới mộng mơ. Đôi chân của Miguel đưa cậu đi tìm ông cố tổ bên ngoại Ernesto de la Cruz của mình, nhằm giải đáp cho những lời nguyền trong gia tộc, sự cấm tiệt âm nhạc cũng như mong muốn được sống hết mình cho những năng khiếu, đam mê đang chảy trong câu người cậu bé 12 tuổi này.
(Ảnh trên là Trạm xe lửa trung tâm Marigold, là nơi chuyên chở tất cả những người quá cố trong gia đình đến với vùng đất của người còn sống, mỗi năm 1 lần. Miguel cũng đặt chân đến nơi đây trong chuyến phiêu lưu của mình. Các nhà làm phim đã nghiên cứu rất kỹ hệ thống và kiến trúc các toà nhà của Mexico City, đặc biệt là những toa xe cũ đã từng được sử dụng, những thanh sắt của Palacio de Correos có từ năm 1907 cũng truyền cảm hứng rất lớn để tạo nên khung cảnh cho vùng đất của cõi âm.)
Miguel đã gặp lại gia đình của mình, gặp lại mẹ của COCO, tức bà cố tổ bên ngoại với tính cách giống hệt lúc sinh thời, các cậu, dì, ông, chút những người đang được thờ phượng trong phòng cầu nguyện của gia đình đã sát cánh cùng Miguel trong hành trình đặc biệt và không tưởng này. Liệu Miguel có gặp lại ông cố tổ bên ngoại của mình không? Bí mật của gia tộc được truyền tải như thế nào?
Chúng ta phải xem phim, hoà mình và tận hưởng vào không gian, văn hoá đậm đà của Mexico mới có thể cảm nhận được những giọt nước mắt rơi ngẫm nhiên, không trọng lực xuống đôi má của mình. Để khi khép lại bộ phim, chúng ta thấy rằng tình cảm gia đình là quan trọng trên hết nhưng cũng không nên o ép bất kỳ năng khiếu nào. Hãy để cho con trẻ phát triển và sống ngây thơ với bản chất; chúng không phải là một thành viên của bi kịch hay hiểu lầm do người lớn tạo nên và truyền tai nhau từ đời này sang đời khác.
Đây có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất, cảm động nhất trong hành trình của Miguel. Pixar và Disney đúng là những nhà làm phim rất tài ba trong việc giáo dục tâm hồn trẻ thơ. Miguel không hề sợ những nếu nhăn đã hằn rõ trên khuôn mặt của bà cố ngoại COCO, Miguel ôm bà, hôn bà, đàn và hát cho bà nghe bài hát mà ba của bà đã sáng tác riêng và hát tặng khi COCO chỉ còn là một cô bé nhỏ với đôi mắt trong veo và hai bính tóc đen nháy… Và sau đó COCO ra đi, đến vùng đất Miguel đã từng ghé để được nắm tay cha và mẹ của mình một lần nữa, sau nhiều chục năm không gặp.
Trẻ con đôi khi sợ người già; trẻ con đôi khi không thích mùi của người già; trẻ con lại đôi khi còn thờ ơ và vô cảm với người già; và đôi khi trẻ còn còn không muốn nhớ đến sự hiện diện của những người già… Bộ phim là lời nhắc nhở đến các con, cháu trong một đại gia đình. Những người đã khuất, liệu họ có muốn chúng ta quên họ không, trước khi họ chết thêm một lần nữa, tức là tan biến vào hư vô nhưng cát, như bụi, không thể trở về thăm con cháu trong ngày tưởng nhớ, ngày giỗ nữa. Bởi chẳng còn ai nhớ đến họ! Chết không có nghĩa là sẽ hết. Nhưng tan biến thành tro bụi ngay trong chính cõi hư không là thực sự hết!
Cái chết, trong COCO không hề đáng sợ mà trái lại còn nồng nàn, tình cảm và rất chân thật như chính cái sống vậy! Chúng ta giỏi lắm thì nhớ đến ông cố của mình. Nhưng sẽ khó lòng nhớ được ông cố của ông cố; hay ông nội của ông cố của ông cố, bà cố tổ của bà cố… Có lẽ, dù chúng ta là một nhánh rất nhỏ trong dòng máu huyết thống, nhưng họ … đã tan biến vào hư không.
Một bộ phim tràn tình thông điệp, tình cảm, sáng tạo và rất đỗi nồng nàn. Cảm ơn COCO.
P.S: Một vài người bạn đồng hành của Miguel cũng được tạo hình thật đẹp, huyền ảo và rực rỡ sắc màu.
Ngoài Dante, con chó cưng của Miguel, trên đường vào thế giới cõi âm, Dante còn có dịp gặp chú mèo Pepita, được các hoạ sỹ vẽ theo phong cách Alebrijes–nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Mexico, được sáng tạo năm 1936 bởi nghệ nhân Pedro Linares. Pepita đóng vai trò là thú tâm linh, hướng dẫn và tìm kiếm các linh hồn.
Reference:
Goldberg, Matt. “Pixar’s Dia de los Muertos Film Titled ‘Coco’; First Details and Poster Revealed”. Collider, 15 Aug. 2015, http://collider.com/coco-movie-pixar-dia-de-los-muertos-film-poster-details/. Accessed 28 November 2017.
Murphy, Mekado. “In ‘Coco’, Bringing the Land of the Dead Back to Life”. The New York Times, 8 Sept. 2017. https://www.nytimes.com/2017/09/08/movies/coco-pixar-dia-de-los-muertos.html. Accessed 28 November 2017.
McClintock, Pamela. “Thanks Giving Box Office: ‘Coco’ Gobbles Up ‘Justice League’ With $71.2M” The Hollywood Reporter, 26 Nov. 2017. https://www.hollywoodreporter.com/news/thanksgiving-box-office-coco-gobbles-up-justice-league-712m-1061387. Accessed 28 November 2017.
J.N